Thỏa thuận hạt nhân Iran: “Cơ hội vàng” với Trung Quốc
Mục tiêu của thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và nhóm P5+1 là nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân đầy tham vọng của Tehran. Đổi lại, cộng đồng quốc tế sẽ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế và thương mại áp đặt với Iran trong thời gian qua.
Theo tờ Cankaoxiaoxi của Trung Quốc, đây là cơ hội mới để Trung Quốc và Iran tăng cường quan hệ hợp tác quân sự mặc dù lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sang Iran do Liên Hợp Quốc (LHQ) áp đặt, sẽ có hiệu lực thêm 5 năm nữa sau khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết.
Trong tương lai, Trung Quốc có thể xuất khẩu nhiều loại vũ khí tấn công sang Iran. |
Chia sẻ với Sputnik, nhà nghiên cứu cấp cao Vasily Kashin tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ ở Moscow nhận định trước khi thời hạn 5 năm của LHQ hết hiệu lực, Bắc Kinh có thể đạt được những bước đột phá lớn trong hoạt động buôn bán vũ khí với Tehran. Điển hình, Trung Quốc có thể xuất khẩu máy bay vận tải quân sự hạng nhẹ và hạng trung sang quốc gia Trung Đông bởi quy định của LHQ chỉ giới hạn các loại “vũ khí tấn công”.
Ngoài ra, việc cộng đồng quốc tế gỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế với Iran sẽ giúp quốc gia này dễ dàng thiết lập cơ chế thanh toán tài chính phù hợp với các bản hợp đồng thương mại quốc tế.
Kể từ thập niên 90 cho tới những năm đầ thế kỷ 21, Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp công nghệ quân sự quan trọng đối với Iran. Trong giai đoạn này, Bắc Kinh còn đồng ý cho Tehran sử dụng công nghệ sản xuất tên lửa và thiết bị phòng không, để phục vụ chương trình phát triển công nghệ quốc phòng của quân đội Iran. Tiếp đó, Trung Quốc thắt chặt quan hệ hợp tác quân sự với Iran song không để mối quan hệ này ảnh hưởng tới “tình cảm” giữa Bắc Kinh và Washington.
Còn hiện nay, Iran đang nổi lên là một thị trường nhập khẩu vũ khí lớn của Trung Quốc. Thậm chí, thị trường Iran còn rộng lớn và đầy tiềm năng hơn cả Pakistan. Bởi ngay sau khi lệnh cấm vận của LHQ hết hiệu lực, Trung Quốc có thể thoải mái xuất khẩu các loại vũ khí tấn công như chiến đấu cơ FC-1, xe tăng, pháo tự hành 155mm, tàu ngầm, tàu chiến mặt nước cho Iran.
Nếu như không vấp phải cuộc đua cạnh tranh thị trường Iran với Nga, Trung Quốc còn có thể dễ dàng bán các máy bay vận tải quân sự tầm trung như Shaanxi Y-8 và Y-9 cho Tehran để thay thế phi đội máy bay vận tải do Mỹ sản xuất và Y-7 của Trung Quốc đã lỗi thời. Song, chắc chắn, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với cuộc cạnh tranh xuất khẩu các máy bay huấn luyện phản lực sang Iran với Nga. Thay vào đó, Trung Quốc có thể cung cấp các máy bay huấn luyện chiến đấu cho Iran.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tìm kiếm cơ hội xuất khẩu các thiết bị điện tử quân sự như radar, hệ thống viễn thông và kiểm soát tự động. Thậm chí, Bắc Kinh còn có thể cung cấp cho Iran các thiết bị công nghiệp cần thiết để hiện đại hóa ngành công nghiệp quốc phòng của nước này.
Sputnik nhận định trong tương lai gần, các quốc gia phương Tây sẽ vẫn tiếp tục từ chối xuất khẩu vũ khí sang Iran do đó, Tehran chưa thể thoát khỏi mối quan hệ hợp tác quân sự với Nga hay Trung Quốc. Và đây là cơ hội lớn vàng với ngành xuất khẩu vũ khí của Bắc Kinh.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.