Thỏa thuận hạt nhân Iran cần phải thay đổi nếu muốn "giữ chân" Mỹ
Trước đó, theo Reuters, xuất hiện lần đầu tiên tại cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Iran xuất khẩu sự “bạo lực, đổ máu và hỗn loạn” cũng như đang tìm kiếm sức ảnh hưởng tại Yemen, Syria và một số nơi khác trong khu vực bằng các cuộc xung đột giữa người Hồi giáo dòng Sunni và Shiite.
Tổng thống Mỹ cũng sử dụng những lời chỉ trích mạnh mẽ đối với thỏa thuận năm 2015 giữa Tehran và 6 cường quốc, theo đó Iran sẽ giới hạn chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh cấm vận kinh tế.
“Thỏa thuận hạt nhân Iran là một trong những giao dịch một phía và tồi tệ nhất mà Mỹ tham gia. Nói thẳng ra, thỏa thuận này là sự xấu hổ đối với Hoa Kỳ…”, ông Trump thẳng thừng tuyên bố.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. Nguồn: Reuters |
Không chỉ vậy, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson còn đi xa hơn khi trả lời Fox News rằng hiệp định này cần phải thay đổi hoặc là Mỹ sẽ ra đi.
Ngược lại, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ca ngợi thỏa thuận hạt nhân Iran trong bài phát biểu của mình và cho rằng không thể chấp nhận được nếu rút khỏi hiệp định này.
“Từ bỏ thỏa thuận này sẽ là một lỗi chết người, không tôn trọng thỏa thuận là thiếu trách nhiệm bởi đây là một hiệp định tốt, cần thiết để duy trì hòa bình tại thời điểm đó khi mà khó có thể ngăn chặn được một thảm họa bùng phát”, ông Macron cho biết.
Tổng thống Pháp cho hay ông hiểu được những quan ngại của Hoa Kỳ nhưng cách để giải quyết chúng là đối thoại, để nới rộng những hạn chế trong chương trình hạt nhân của Iran sau năm 2025. Ông Macron và những người ủng hộ khác cho rằng rút khỏi hay làm suy yếu thỏa thuận có thể “đổ thêm dầu vào lửa” trong khu vực cũng như khiến Triều Tiên không còn hứng thú tham gia đàm phán chương trình hạt nhân của mình.
Iran đã đáp trả bài phát biểu của ông Trump một cách giận giữ. “Bài phát biểu đầy hận thù và ngu ngốc của ông Trump thuộc về thời trung cổ, chứ không phải thế kỷ 21 nên không đáng để đáp lời”, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif viết trên Twitter.
Đến ngày 15/10 tới, Tổng thống Mỹ cần phải quyết định xem Iran có đang tuân thủ thỏa thuận hay không, đây là một quyết định có thể “nhấn chìm” thỏa thuận hạt nhân này. Nếu ông Trump không đưa ra quyết định, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để xem xét tái áp đặt các lệnh trừng phạt được đề cập trong thỏa thuận.
Thỏa thuận hạt nhân Iran được thực hiện giữa Tehran và 6 cường quốc Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh, Đức và Pháp. Sáu bên sẽ gặp mặt cấp Bộ trưởng tại Iran vào ngày hôm nay (20/9).