Thổ Nhĩ Kỳ tố Nga vi phạm không phận: Chiến lược của Moscow là gì?
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, máy bay ném bom Su-34 của Nga đã vi phạm không phận nước này lần thứ hai trong vài tháng gần đây. Vụ việc trước đó diễn ra vào tháng 11/2015 khi chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 Nga, khiến quan hệ giữa hai nước “tụt dốc không phanh”.
Vụ việc hôm 31/1 vừa qua, phía Nga đã lên tiếng phủ nhận, gọi đó là “một thông tin tuyên truyền không có cơ sở”. Vậy đâu là sự thật và nếu đúng thì tại sao Nga lại “chọc ngoáy” Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa? Chiến lược mà Moscow đang theo đuổi là gì?
The Christian Science Monitor trích lời của Jeffrey Mankoff, cố vấn cao cấp của Chương trình Nga và châu Á-Âu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế, phân tích: “Nga có thể đang muốn cho Thổ Nhĩ Kỳ thấy rằng nước này không bị nhụt chí trước những gì đã xảy ra trước đó. Nga tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể chấp nhận rủi ro và bắn thêm một máy bay khác của Moscow. Các đồng minh NATO sẽ đặt rất nhiều áp lực lên Ankara để nước này không thể lặp lại hành động hồi tháng 11”.
Hành động bắn rơi máy bay ném bom Nga tháng 11/2015 không chỉ là một hành động đơn lẻ. Nó là đại diện của một chuỗi sự kiện, đó là các cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và NATO, cả trên không và trên biển. Tuy nhiên, có lẽ trong số các thành viên NATO thì Thổ Nhĩ Kỳ là nước duy nhất gánh chịu hậu quả khi bị bao vây bởi các thế lực quân sự từ Moscow.
Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Nguồn: Reuters |
Tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, Hulusi Akar từng tuyên bố đất nước mình “đang ở trong vòng vây của lửa” khi đề cập đến tình hình căng thẳng hiện nay. Nhưng, như ông Mankoff đã nói, trước khi mâu thuẫn bùng nổ, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã “nồng ấm” hơn rất nhiều.
Trên thực tế, Điện Kremlin đã coi Ankara là “một đối tác chiến lược” và ông Putin trước đó chưa lâu đã dành những “lời khen có cánh” cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdoğan vì đã ủng hộ Moscow kh I phương Tây quay lưng lại với nước này trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Cuộc nội chiến Syria cũng đóng một vai trò trung tâm trong việc làm xấu đi mối quan hệ Nga-Thổ. Hai cường quốc này “chống lưng” các lực lượng đối lập nhau và mặc dù hai nước vẫn chung sống hòa bình với sự khác biệt này thì tên lửa bắn rơi máy bay Nga của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến mọi nỗ lực hòa thuận tan biến.
Nga đã sử dụng các biện pháp văn hóa và kinh tế để áp đặt lệnh trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ. Thêm vào đó, sự việc này đến đúng lúc tình hình Ukraine đã lắng dịu và Moscow có thể tập trung sự chú ý của mình vào “kẻ địch” khác.
Trong chuyến đi tới Moscow tháng 12/2015, ông Mankoff đã có cuộc nói chuyện với các học giả Nga và khẳng định chính sách của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong cụm từ “sự thay đổi thể chế”. Sự thay đổi ở đây không mang hàm ý can thiệp quân sự mà có nghĩa là hai nước sẽ không thể quay lại mối quan hệ bình thường nếu ông Erdogan không ra đi.
Điều này cũng tương tự như mối quan hệ giữa Mỹ và Tổng thống Putin: sẽ khó cho quan hệ Nga-Mỹ trở nên phẳng lặng nếu ông Putin vẫn còn đó.
Theo ông Mankoff, chính phủ Ankara đang phải “luyện tinh thần thép” trong thời kỳ quan hệ khó khăn với Nga. Thổ Nhĩ Kỳ đã phải chịu đựng nhiều trong hơn một thế kỷ qua trước sự lớn mạnh của Nga. “Chỉ bằng các cuộc đàm phán sâu rộng và chủ động giúp giảm căng thẳng giữa Nga và NATO về vấn đề Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương thì có thể Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mới xóa được “những bóng ma” ngăn cản quan hệ giữa hai nước”, ông Mankoff nói.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Christian Science Monitor, tờ báo đăng tải những sự kiện đang diễn ra ở Mỹ và thế giới. Tờ báo còn có một mục dành cho tôn giáo trên trang "The Home Forum".