Thổ Nhĩ Kỳ tố Đức "suy nghĩ méo mó" khi bị gọi là "ổ khủng bố"
Vào ngày 16/8, kênh truyền hình ARD của Đức đã công bố tài liệu bị rò rỉ của Bộ Nội vụ Đức, trong đó ghi rằng Thổ Nhĩ Kỳ là “một trung tâm lớn ở Trung Đông” cho các tổ chức Hồi giáo cực đoan kể từ năm 2011. ARD còn chỉ trích Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có những chính sách hậu thuẫn những tổ chức như Anh em Hồi giáo ở Ai Cập, Hamas ở Palestine và các nhóm vũ trang khủng bố tại Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ đã xích lại gần Nga sau khi quan hệ với phương Tây trở nên rạn nứt. |
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng những cáo buộc trên cho thấy “lối suy nghĩ méo mó của các quan chức Đức, và là âm mưu làm suy yếu Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách công kích Tổng thống Erdogan và chính phủ”. Bộ này cũng yêu cầu Berlin phải đưa ra lời giải thích chính đáng.
“Rõ ràng là tổ chức khủng bố Đảng Lao động Kurdistan (PKK) và một số nhân vật trong chính phủ Đức là những kẻ đã đưa ra những cáo buộc trên”, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết. “Là một quốc gia chủ trương loại trừ các nhóm khủng bố, Thổ Nhĩ Kỳ mong rằng các nước tham gia chiến dịch chống khủng bố phải hành động một cách có trách nhiệm”.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Thomas de Maiziere đã phát biểu trước báo giới rằng bộ này “không hối hận” về những gì được đề cập đến trong báo cáo mật trên. Ông cũng nói thêm rằng báo cáo cũng bao gồm đánh giá của Đức về một số khía cạnh khác của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức là bà Sawsan Chebli đã nhanh chóng khẳng định rằng bộ này “không đồng tình” với văn bản bị rò rỉ.
Phát ngôn viên của chính phủ Đức Steffen Seibert không đề cập đến nội dung của báo cáo và khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác quan trọng của Đức trong cuộc chiến chống khủng bố. “Chúng tôi tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh lớn để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)”.
Mặc dù hai nước đã đạt được thỏa thuận về cuộc khủng hoảng di dân vào tháng 3 vừa qua, trong những tháng gần dây quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng đi xuống sau khi các thượng nghị sĩ Đức công nhận cuộc tàn sát người Armenia vào năm 1915 là hành động diệt chủng do đế chế Ottoman (tiền thân của Thổ Nhĩ Kỳ) thực hiện.
Chính quyền Đức mới đây cũng đã cấm ông Erdogan phát biểu với những người ủng hộ ông tại thành phố Cologne (Đức). Nhiều người dân thành phố này đã xuống đường biểu tình ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khi âm mưu đảo chính diễn ra.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.