Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “làm liều”?
Dù nếu thực hiện động thái này, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhưng với tính cách của Tổng thống Erdogan, giới chuyên gia cho rằng “không gì là không thể”.
Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan |
Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào “thế bí”
Trong thời gian gần đây, tình hình chiến trường Syria đang diễn tiến theo chiều hướng khá bất lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng Quân đội Syria, dưới sự yểm trợ của lực lượng Không quân -Vũ trụ Nga (VKS) đang dần đẩy lùi lực lượng IS (được coi là nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Ankara) ra khỏi khu vực phía Bắc tỉnh Latakia.
Bên cạnh đó, việc Nga và Chính phủ Syria đã tìm được tiếng nói chung trong vấn đề đối với cộng đồng người Kurd cũng là tình tiết rất bất lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bối cảnh quan hệ với Nga vẫn đang trong giai đoạn căng thẳng và những nỗ lực nhằm hàn gắn quan hệ không được Tổng thống Nga chấp nhận (Tổng thống Thổ Nhĩ kỳ nhiều lần đề nghị gặp mặt và gọi điện cho ông Putin nhưng đều không được đáp ứng), việc Ankara muốn đàm phán với Moscow về khả năng ngừng các cuộc tấn công của Quân đội Syria ở phía Bắc Latakia dường như là điều gì đó phi thực tế. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ còn hai lựa chọn.
Thứ nhất, “ngồi yên và quan sát” sự hình thành ở khu vực biên giới một quốc gia thù địch của cộng đồng người Kurd với quyền tự trị ngay trong thành phần của mình. Quốc gia này sau đó sẽ lên tiếng kêu gọi Ankara phải đứng ra giải quyết “tất cả những gì tốt đẹp” mà người Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trong quá trình diễn ra chiến sự ở Syria.
Thứ hai, áp dụng các hành động khẩn cấp để ngăn cản kịch bản này xảy ra. “Những hành động khẩn cấp” ở đây có thể là việc đưa quân can thiệp trực tiếp vào phía Bắc Syria, tiêu diệt lực lượng người Kurd và bố trí lực lượng của mình ở đó để “bảo vệ người dân thường khỏi các phe nhóm quân sự Nga và Syria”.
Nếu thực hiện sự lựa chọn thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ có thể không chỉ trì hoãn việc giải quyết vấn đề người Kurd mà còn có thể tạo được một “vùng đệm” dọc theo biên giới với Syria.
Lý do để Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện sự lựa chọn này đã có khi thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục đưa ra các cáo buộc về việc các máy bay của VKS liên tục xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
“Chúng tôi một lần nữa cảnh báo Nga. Những tổn thất mà Moscow gây ra cho lực lượng đối lập Syria và các mối đe dọa đối với không phận Thổ Nhĩ Kỳ từ các hành động của Moscow sẽ chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cho Nga cả”- Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tuyên bố và cho biết thêm rằng “Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh khu vực dọc theo biên giới với Syria”.
Tuy nhiên, nhiều khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dám vội vã thực hiện các hành động này vì vẫn chưa tự tin vào khả năng Nga sẽ không can thiệp vào quá trình Thổ Nhĩ Kỳ hành động.
Chỉ khi Moscow chấp nhận “nuốt cục tức” này thì chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ mới có khả năng đạt được thành công. Trong trường hợp ngược lại, hành động này có thể sẽ không chỉ đem lại thảm họa về quân sự, kinh tế và chính trị đối với Thổ Nhĩ Kỳ mà còn có thể dẫn đến sự thay đổi chế độ ở Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như cắt đứt các khả năng liên kết của Thổ Nhĩ Kỳ với thế giới bên ngoài.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. |
Erdogan sẽ làm liều?
Nếu như quân đội Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự vào miền Bắc Syria và tấn công lực lượng VKS của Nga thì khi đó, Moscow sẽ có đủ các căn cứ cần thiết để ngăn chặn lực lượng, phương tiện của Thổ Nhĩ Kỳ tràn qua biên giới vào Syria.
Khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không có căn cứ để hy vọng NATO thực hiện điều khoản trong Thỏa thuận Washington về phòng vệ tập thể vì hành động Nga tấn công vào lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra bên ngoài lãnh thổ nước này. Vấn đề được quan tâm nhất là khi đó, NATO sẽ phản ứng như thế nào.
Về nguyên tắc, NATO vẫn có thể can thiệp và đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, kịch bản này ít có khả năng xảy ra nếu không muốn nói là phi thực tế.
Nguyên nhân là do các nước thành viên NATO, thậm chí cả khi bị Mỹ ép, cũng sẽ không chấp nhận rủi ro xung đột quân sự với Nga chỉ vì nhưng toan tính “xuẩn ngốc” của Tổng thống Erdogan.
Nhưng nếu như NATO “đứng sang một bên” và không hành động gì thì không chỉ ảnh hưởng chính trị NATO bị suy giảm mà NATO còn có thể phải đối mặt với mối đe dọa tan rã.
Rõ ràng, cả hai kịch bản đều có những tác hại đến NATO. Chỉ có Mỹ là hưởng lợi từ xung đột Nga - Thổ Nhĩ Kỳ nhưng khi xung đột này chưa bùng phát thành cuộc chiến thực sự.
Do đó, khả năng có thể xảy ra nhất là NATO sẽ lựa chọn phương án thứ ba: không để xảy ra kịch bản trên và sẽ ép để Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ tất cả các kế hoạch can thiệp vào tình hình Syria.
Mặc dù vậy, những nỗ lực của NATO có thể đổ “xuống sông, xuống biển” vì tính cách của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ông Erdogan hoàn toàn có thể thực hiện các giải pháp không theo bất cứ lôgic nào và đưa quân can thiệp vào Syria đơn giản là theo ý thích của riêng mình.
Nếu như các tướng lĩnh Thổ Nhĩ Kỳ không thể ngăn cản ông Erdogan thực hiện kế hoạch “điên rồ” này thì mọi việc sẽ phụ thuộc vào những hành động của Moscow.
Nếu Moscow hành động kiên quyết, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị đẩy lùi khỏi Syria và thậm chí Erdogan sẽ mất ghế.
Tuy nhiên, nếu Moscow tỏ ra “yếu đuối” thì khi đó, ông Erdogan sẽ trở thành “người hùng”, còn Nga sẽ phải rút khỏi Syria và sau đó là mất đi ảnh hưởng ở không gian hậu Xô Viết.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ “Expert- Chuyên gia”, tờ báo chuyên đưa tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thế giới, đặc biệt các tin tức liên quan tình hình các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. Tờ báo được thành lập năm 1995.