Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là thành viên đầu tiên rút khỏi NATO?
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thư ký NATO |
Nhận định trên do chuyên gia phân tích chính trị Salman Rafi Sheikh đưa ra trên tờ Global Research. Theo đó, những thành công địa chính trị của Nga ở Trung Đông đang tạo ra những mâu thuẫn lớn giữa Thổ Nhĩ Kỳ với NATO, đẩy Thổ Nhĩ Kỳ và Nga xích lại gần nhau và không loại trừ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử rút khỏi NATO.
Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang là thành viên đầy đủ của NATO. Tuy nhiên trong những năm gần đây, khoảng cách giữa Thổ Nhĩ Kỳ với liên minh này đang ngày một cách xa. Điều này là do tại khu vực Trung Đông đang có những thay đổi lớn từ cuộc khủng hoảng Syria.
Cuộc khủng hoảng này khiến các quốc gia tại Trung Đông phải tự xác định con đường địa chính trị cho mình. Trong số này, Thổ Nhĩ Kỳ đã xác định rằng quốc gia này rõ ràng không thuộc về thế giới phương Tây dưới sự chỉ đạo của Mỹ mà là một đồng minh thực sự của Nga.
Theo chuyên gia Salman Rafi Sheikh, việc Thổ Nhĩ Kỳ củng cố quan hệ với Nga có nghĩa là “một thành viên đầy đủ của NATO đang ủng hộ mối quan hệ hợp tác hết sức chặt chẽ với quốc gia gần như là đối thủ của liên minh quân sự này kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh”.
Điều này đã trở thành hiện thực là do “chính sách chống khủng bố tích cực thực sự của Nga”- chính sách hoàn toàn khác biệt so với đường lối chống khủng bố của NATO. Và yếu tố quan trọng khác thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga là việc Mỹ, cường quốc quân sự chủ chốt của NATO, đang bị Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ đạo diễn vụ đảo chính quân sự bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 7/2016.
Kể từ thời điểm nổ ra cuộc khủng hoảng Syria, cả NATO và Nga đều rõ ràng cảm thấy sự cần thiết phải “xem xét lại hình thức hợp tác” với hàng loạt quốc gia trong khu vực Trung Đông, và quốc gia đầu tiên trong số này là Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong tuần trước, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ McMaster đã lên tiếng coi Thổ Nhĩ Kỳ là một trong 2 quốc gia (cùng Qatar) có lỗi chính trong việc để tư tưởng cực đoan lan truyền tại Trung Đông. Tuy nhiên trước đó, ông McMaster đã lên tiếng cáo buộc Nga cùng với Trung Quốc đang cố gắng “mua chuộc” các quốc gia đồng minh của Mỹ để phá vỡ “trật tự thế giới”.
Theo giới phân tích quốc tế, ông McMaster đồng thời đưa ra 2 tuyên bố này là để chứng minh rằng Nga và Trung Quốc đang cố gắng đặt ra mục tiêu “vô hiệu hóa các thành công của Mỹ đã đạt được trong 17 năm qua trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố” và thiết lập liên minh cùng với các quốc gia dường như đang cổ vũ chủ nghĩa khủng bố.
Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan |
Chuyên gia Salman Rafi Sheikh cho rằng không phải ngẫu nhiên ông McMaster lại đưa ra tuyên bố về Thổ Nhĩ Kỳ chỉ một vài tiếng trước khi diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong cuộc gặp này, ngoài nhiều vấn đề quan trọng khác, tổng thống hai bên đã thảo luận khả năng Nga sẽ cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ các tổ hợp phòng không hiện đại S-400 của Nga. Việc Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu hệ thống này cũng đồng nghĩa rằng vũ khí của Nga sẽ “hiện diện trên lãnh thổ NATO” và “Nga đã cắm rễ trên mảnh đất NATO”. Đây là động thái tuyệt vời để Nga “đáp trả” việc NATO đang lấn dần đến biên giới nước Nga thông qua Ukraine.
Tác giả cho hay những nội dung kể trên cho phép đưa ra kết luận rằng cuộc khủng hoảng Syria đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga. Một yếu tố khác đẩy Thổ Nhĩ Kỳ gần lại với Nga là việc Nga có ảnh hưởng khá lớn đến lực lượng người Kurd ở Syria. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ muốn đàm phán với Nga về vấn đề loại bỏ các nhóm Lực lượng phòng vệ người Kurd khỏi vùng Afrin- khu vực biên giới Syria với Thổ Nhĩ Kỳ.
Salman Rafi Sheikh tin tưởng rằng, khả năng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp để triển khai chiến dịch mới ở Afrin có thể sẽ trở thành “chiếc đinh cuối cùng đóng vào nắp quan tài” đối với quy chế thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ.
Do đó, cho dù trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, NATO chưa từng loại bỏ quy chế thành viên của bất cứ quốc gia nào nhưng hiện không ai có thể loại trừ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành quốc gia thành viên đầu tiên rút khỏi NATO.