Thổ Nhĩ Kỳ muốn Gazprom đổi tên “Dòng chảy phương Nam”
Giám đốc điều hành Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom Alexander Medvedev cũng nhắc lại rằng sẽ không tiến hành xây dựng “Dòng chảy phương Nam” nữa: “Thay vào đó sẽ thực hiện một dự án khác”.
Nhưng ông không đưa ra câu trả lời cho câu hỏi tại sao tàu chuyên dụng lắp đặt đường ống Castoro Sei sau 3 tuần chính thức hủy bỏ dự án này, đến giờ vẫn còn ở cảng Burgas, Bulgaria. Ông chỉ nói ngắn gọn rằng: “Con tàu cũng cần có nơi để neo đậu”.
“Sắp tới sẽ có nhiều sự kiện liên quan đến dự án này, khi đó chúng tôi sẽ thông báo cụ thể”, ông cho biết.
Trước đó, ngày 1/12 tại Ankara, Tổng thống Nga đã tuyên bố ngừng dự án Dòng chảy phương Nam từ Nga đến Bulgaria và thông báo về các kế hoạch xây dựng một đường ống khác có công suất tương đương - 63 tỷ m3/năm đến Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ông, nguyên nhân dự án bị ngừng lại là do phía Bulgaria không cho phép lắp đặt đường ống này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. |
1/4 công suất của đường ống mới sẽ được dành cho thị trường Thổ Nhĩ Kỳ để bù lại khối lượng khí đốt hiện giờ được vận chuyển qua Ukraine và vùng Balkan. Khoảng 50 tỷ m3 được dẫn vào một trạm khí đốt ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp. Còn các khách hàng châu Âu quan tâm đến khối lượng khí đốt này có thể mua ở đó. Doanh nghiệp thực hiện dự án mới này sẽ có tên “Gazprom Russkaya”. Ngoài ra, một dự án xây dựng sàn giao dịch thương mại khí đốt cũng đang được phía Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch thực hiện.
Nói chung, việc chuyển hướng “Dòng chảy phương Nam” sang Thổ Nhĩ Kỳ đã trút bỏ được các vấn đề về sự cần thiết của việc xây dựng hệ thống ống dấn khí đốt “hành lang phía Nam” để cung cấp khí đốt qua đường ống ở Biển Đen và các khoản đầu tư phát sinh từ việc mua và lắp đặt đường ống trong khuôn khổ dự án Dòng chảy phương Nam.
Nhận xét về dự án xây dựng đường ống đến Thổ Nhĩ Kỳ, Chủ tịch Tập đoàn Gazprom Alexey Miller cho biết việc từ bỏ Dòng chảy phương Nam không ảnh hưởng đến công ty của mình.
“Về tiền, Gazprom chẳng bị tổn thất chút nào. Chúng tôi đã đầu tư gần 5 tỷ USD vào các cơ sở hạ tầng vận chuyển khí đốt trên lãnh thổ Nga để thực hiện “hành lang phía Nam” nhằm vận chuyển khí đốt đến khu vực Krasnodar và cung ứng cho trạm nén khí Russkaya. Tất cả khoản đầu tư này đều hoàn toàn cần cho dự án đường ống khí đốt qua Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ. Mọi thứ đều đâu vào đó”, ông trả lời phỏng vấn.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Interfax - AVN (Nga). Interfax - AVN trực thuộc Interfax và cũng là hãng thông tấn duy nhất ở Nga chuyên đưa tin về an ninh và quốc phòng quốc gia.