Thổ Nhĩ Kỳ: Kẻ thù tứ phía, vấn đề chồng chất
Sân bay Quốc tế Istanbul Ataturk từng là một cảng hàng không hiện đại của một quốc gia với tham vọng lớn lao. Trong vòng vài thập kỷ qua, số người lưu thông qua đây đã vượt quá sức chứa tối đa của sân bay, và mọi hoạt động ở đây trở nên chậm chạp.
Quang cảnh sân bay Ataturk, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). |
Sau khi Đảng Công lý và Phát triển Thổ Nhĩ Kỳ (AKP) lên nắm quyền vào cuối năm 2002 với một chính sách đối ngoại nhằm mục đích đưa đất nước trở thành quốc gia Hồi giáo đứng đầu thế giới, hãng hàng không quốc gia Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu phát triển.
Chi nhánh của Turkish Airlines hoạt động ở khắp khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Đông Phi. Giờ đây, hành khách của hãng có thể đi từ New York tới thành phố Erbil (Iraq), hay thủ đô Algiers (Algeria), thủ đô Sanaa (Yemen) và Mogadishu (Somalia).
Sân bay Ataturk là nơi người ta có thể tạm thời dẹp bỏ mối nghi kỵ và sự khác biệt về chính trị, và tự do mua đủ mọi hàng hóa cần thiết. Người Trung Đông, Châu Phi, Châu Âu, Châu Á và một số ít người Mỹ có thể mua những chai rượu Johnny Walker Black, sôcôla Toblerone, quần bò Mavi, kính đen Dolce & Gabbana trong lúc chờ lên máy bay.
Hình ảnh này cũng thể hiện quan điểm rất rõ ràng của đảng AKP trong vấn đề đối ngoại. Nó cũng chính là nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỳ dễ bị tấn công khủng bố, và mới đây một vụ xả súng và đánh bom đã xảy ra tại sân bay này khiến 41 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong một cuộc họp báo. |
Chính sách của đảng AKP cũng khiến nhiều người liên tưởng đến thời của đế chế Ottoman ngày trước. Với Istanbul là thủ đô, đế chế Ottoman đã thống trị Trung Đông, Bắc Phi và vùng Balkan trong vòng hơn 600 năm. Gần một thế kỷ kể từ khi đế chế này sụp đổ, một nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ mới đã xuất hiện, tận dụng thành công về kinh tế và chính trị trong nước để xây dựng hình ảnh quốc gia là một kim chỉ nam về tư tưởng chính trị và là một đất nước dẫn đầu về kinh tế trong thế giới Ả Rập.
Thế nhưng giờ đây, bong bóng thành công đã vỡ, để lại trước mắt Thổ Nhĩ Kỳ hàng loạt những vụ khủng bố đẫm máu xảy ra từ các thành phố ở Đông Nam đất nước cho đến sân bay Ataturk ở phía Tây Bắc. Năm ngoái, 250 người đã chết trong các vụ khủng bố, và Thổ Nhĩ Kỳ đang vướng vào một cuộc chiến tay ba nổ ra do bất đồng với hai nước lân cận của nước này.
Khủng bố và xung đột chính trị không phải là điều hiếm thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ giữa những năm 1980, Đảng Công nhân Người Kurd (PKK) đã tuyên chiến với chính phủ Thổ Nhĩ Kỹ, khiến 40.000 người thiệt mạng. PKK đã tấn công vào các khu vực thị thành ở phía Tây đất nước và thậm chí đã từng công kích các cơ quan chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Âu.
Trước đó, gần 5.000 người Thổ Nhĩ Kỳ đã mất mạng vào cuối thập niên 1970 do xung đột giữa các nhóm cánh tả và cánh hữu. Từ đó đến nay, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã phải chịu đựng những vụ bạo lực đẫm máu. Cuộc tấn công tại sân bay Ataturk vụ khủng bố thứ 11 trong vòng 12 tháng trở lại đây.
Trước đây, khi một quả bom phát nổ gần sở cảnh sát Istanbul, gần như ai cũng biết rằng đây là vụ việc do PKK tiến hành. Giờ đây, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ phải xác định hung thủ từ một danh sách những kẻ tình nghi rất dài, trước đây đã từng tấn công các cuộc biểu tình chính trị, điểm thăm quan du lịch và giờ đây là sân bay quốc tế lớn của nước này.
Thành viên của Quân Khởi nghĩa Sinjar, một lực lượng thân với PKK. |
Làm thế nào để chính phủ có thể bảo vệ người dân khỏi các nhóm vũ trang với những động cơ khác nhau, khi nơi nào cũng có thể là mục tiêu bị đánh bom? Ankara chỉ có thể đẩy mạnh bắt giữ những kẻ bị nghi ủng hộ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đồng thời tăng cường tấn công và PKK cùng các nhóm vũ trang liên quan và đẩy mạnh phòng bị. Những động thái này hoàn toàn không khác gì những gì đã được làm trước đây, và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn tiếp tục đổ máu.
Trong khi đó, tình trang bất ổn ở Iraq và Syria đã khiến những vấn đề an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ tồn tại trước đó ngày càng trở nên trầm trọng. Việc Mỹ tiến hành xâm lược Iraq vào năm 2003 đã khiến PKK phát triển trở lại. Năm 2004, tổ chức này đã đơn phương tấn công lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ trong lục hàng chục ngàn binh lính Mỹ đang tấn công Iraq. Mãi đến năm 2015, Ankara và PKK mới thực hiện đàm phán hòa bình, song mâu thuẫn giữa hai bên vẫn còn sâu đậm.
Cho đến nay vẫn chưa rõ bên nào đã gây chiến trước, nhưng hiện tại Không quân Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục không kích những khu vực của PKK ở Iraq, Syria và cả trong lãnh thổ nước này. Ngay lập tức, PKK đã đáp trả bằng các vụ nổ bom trong các thành phố Thổ Nhĩ Kỳ.
Hơn nữa, cuộc nội chiến ở Syria cũng khiến an ninh Thổ Nhĩ Kỳ bị hủy hoại. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng được mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào giữa những năm 2000, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, khi đó đang giữ chức Thủ tướng, đột ngột quay lưng với Syria và trở thành kẻ thù của lãnh đạo Syria. Thế nhưng, Ankara vẫn không muốn quyết tâm thể hiện rằng ông Assad phải ra đi, thay vào đó họ cố gắng thuyết phục để chính quyền Obama thay họ lật đổ ông Assad.
Trong lúc Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra quyết định cụ thể, Thổ Nhĩ Kỳ làm ngơ trước dòng người đến sân bay Ataturk đến Syria để chống lại Assad. Từ làm ngơ, chính phủ nước này hợp tác với rất nhiều các nhóm vũ trang cực đoan, mặc dù họ khẳng định rằng họ không hề liên hệ với IS. Phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ thì thẳng thừng lên án chính phủ vì những hành động trên, và Ankara đã cho bắt giữ tổng biên tập báo địa phương Cumhuriyet vì báo này đăng một bài viết mô tả quan hệ giữa cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ với IS.
Sân bay quốc tế Istanbul Ataturk hoang tàn sau vụ khủng bố. |
Hơn thế nữa, trong lúc những phần tử người nước ngoài đổ vào Thổ Nhĩ Kỳ, PKK cũng giúp chi nhánh của mình ở Syria là Đảng Liên hợp Dân chủ người Kurd thành lập một lực lượng vũ trang có tên là YPG, nhằm bảo vệ cộng đồng người Kurd tại Syria trước các nhóm khủng bố. YPG sau đó trở thành một lực lượng quân sự mạnh và với sự trợ giúp của không quân Mỹ, họ đã đẩy lùi các phiến quân IS ra khỏi khu vực nằm dọc biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều này có lợi cho Mỹ và lực lượng liên quân chống IS, song nó lại không tốt cho Thổ Nhĩ Kỳ. Khu vực mà người Kurd đã đánh đuổi IS giờ đây mang tên là vùng tự trị Rojava. Theo quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, Rojava là một nhà nước khủng bố có quan hệ chặt chẽ với PKK.
Tuy nhiên, đáng lẽ Ankara có thể ngăn chặn vấn đề này xảy ra. YPG trở thành một trong những lực lượng chính trong cuộc chiến chống IS bởi khi Mỹ đang kiếm tìm đồng minh đáng tin cậy trong khu vực sau khi IS chiếm được Mosul (Iraq) vào tháng 6/2014, người Kurd đã tình nguyện đứng lên, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ thì lảng tránh và tiếp tục coi PKK là kẻ thù lớn nhất, chứ không phải là IS.
Khi Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng đồng ý gia nhập liên quân chống IS sau khoảng 1 năm đàm phán và cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ không quân ở phía Nam nước này, có vị trí gần Raqqa và Mosul (hai thành phố lớn nhất đang bị IS chiếm đóng), Thổ Nhĩ Kỳ không hề có quyết tâm tham gia chống khủng bố. Một năm sau, với sự giúp đỡ của Mỹ, người Kurd ở Syria có một vùng lãnh thổ cho riêng mình, ông Assad vẫn nắm quyền, còn Thổ Nhĩ Kỳ thì lọt vào tầm ngắm của IS.
Rất khó để biết được tương lai nào đang chờ đón Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc chiến chống lại cộng đồng người Kurd đang dân mở rộng và trở nên phức tạp hơn bởi cuộc chiến chống IS của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia từng mới đây được gọi là “hình mẫu” cho các quốc gia Ả Rập vào năm 2011, trở nên bất ổn và một phần lãnh thổ của nước này có thể sẽ bị mất.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…