Thổ Nhĩ Kỳ dùng khí "lạ" tập kích người Kurd, 6 dân thường thương nặng
Hãng tin SANA của Syria đã dẫn lời giám đốc bệnh viện địa phương Joan Mohammed rằng: “Đã có 6 người đã vào viện với triệu chứng khó thở do tiếp xúc với khí độc từ các loại đạn mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng để tấn công”.
Súng cối của các lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ khai hỏa tại vùng Afrin (Syria) để tấn công lực lượng vũ trang người Kurd. |
Bà Mohammed nói thêm, hiện các nhân viên y tế đang tìm cách xác định loại khí độc này. Trong số 6 người phải nhập viện, 4 người hiện đang dần ổn định sức khỏe, còn 2 người còn lại vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.
Phát ngôn viên của YPG Birusk Hasaka cũng đã xác nhận với hãng tin Reuters rằng người Kurd đã bị tấn công bằng vũ khí hóa học trong một cuộc tiến công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời khẳng định rằng những triệu chứng của 6 nạn nhân trên đều cho thấy rằng họ đã bị nhiễm khí độc.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch quân sự mang tên Cành Ô liu vào ngày 20/1, với mục tiêu đảm bảo an toàn cho vùng biên giới giữa nước này và Syria trước lực lượng người Kurd, từ lâu đã bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ coi là các tổ chức khủng bố. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào vùng tây bắc Syria và bao vây tỉnh Afrin (Syria), liên tục tập kích nhiều làng mạc tại đây. Chiến đấu cùng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là các nhóm vũ trang nổi dậy chống chính quyền Damascus.
Động thái gây hấn của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến các đồng minh NATO của nước này không hài lòng. Các quan chức Pháp đã cảnh báo Ankara đang “đổ thêm dầu vào lửa” tại Syria, trong khi Đức ngừng cung cấp vũ khí mới cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Chiến dịch quân sự này cũng khiến quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ ngày càng rạn nứt, khi Washington đang hậu thuẫn cho Lực lượng Phòng vệ Syria (SDF), có nòng cốt là các thành viên thuộc lực lượng dân quân người Kurd (YPG). YPG là một trong những mục tiêu chính của Thổ Nhĩ Kỳ, và đã khiến Ankara đe dọa sẽ tấn công thành phố Manbij nơi YPG đang đóng quân sau khi hoạt động tại Afrin kết thúc.
Mỹ đã cố gắng xoa dịu căng thẳng khi tuyên bố rằng bất kỳ loại vũ khí nào được cung cấp cho SDF đều “có số lượng giới hạn, tùy thuộc vào nhiệm vụ của từng thời điểm để đạt được những mục tiêu quân sự nhất định”. Tuy nhiên, các quan chức ngoại giao hai nước đã thừa nhận rằng quan hệ của hai bên “đang rơi vào khủng hoảng”.