Thổ Nhĩ Kỳ cô độc trong vấn đề Syria
Chính phủ của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang trở nên đơn độc trong vấn đề Syria. |
Khi nhận ra rằng không thể giải quyết cuộc khủng hoảng với Tổng thống Syria Bashar al-Assad bằng con đường ngoại giao, thì Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thực hiện một loạt các nỗ lực nhằm xây dựng một mặt trận chung với Hoa Kỳ, các đồng minh phương Tây và bạn bè Ả rập.
Kết quả là Washington và Ankara đã có cùng quan điểm về vấn đề Syria và trong trong các tuyên bố chính thức, cả hai bên đều kêu goi ông Assad ra đi và cố gắng tạo một chiến lược để hướng đến mục tiêu đó.
Nhưng khi chính quyền của Thủ tướng Erdogan bắt đầu tìm cách thực hiện phế truất ông Assad thì chính quyền của ông Obama lại chuyển sang hướng thủ thế và Washington trốn tránh vai trò dẫn đầu.
Ai là người dẫn đầu?
Trong khi một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ khăng khăng rằng chính Hoa Kỳ dẫn dắt nước này tới tiền tuyến của cuộc khủng hoảng Syria, thì thực tế là chính Ankara đã lựa chọn đường đi đó.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ làm như vậy dựa trên vị thế và tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực và tìm kiếm sự ủng hộ tích cực của các nước láng giềng.
Ban đầu chính quyền Obama tuyên bố mở rộng phạm vi ủng hộ thông qua các “hành động khuyến khích” như ủng hộ việc Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức ra nhóm đối lập Syria.
Một số quốc gia Ả rập như Ả rập Xê út và Qatar cũng đã đứng cạnh Thổ Nhĩ Kỳ trong những nỗ lực này. Nhưng chẳng bao lâu, Thổ Nhĩ Kỳ nhận ra rằng sự ủng hộ mà Ankara mong muốn đang ngày càng xa vời do có nhiều vấn đề mới nảy sinh.
Khi dòng người tị nạn Syria đổ sang Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu trở thành vấn đề nghiêm trọng, thì những lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tới cộng đồng quốc tế Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc không đem lại kết quả gì. Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang phải một mình chịu gánh nặng này.
Chỉ ủng hộ bằng lời nói
Ngay từ đầu, có vẻ như đề xuất về “vùng an toàn” của Thổ Nhĩ Kỳ vừa để giải quyết vấn đề tị nạn vừa để đảm bảo an ninh đã nhận được sự ủng hộ nhưng không có hành động nào được đưa ra để hiện thực hóa đề xuất đó.
Những nỗ lực ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga và Trung Quốc, hai quốc gia phủ quyết các động thái chống lại Tổng thống Syria Assad, đã không đem lại kết quả gì. Và Ankara vẫn phải thường xuyên đối đầu với hai quốc gia này và Iran.
Về các vấn đề biên giới như các cuộc đấu pháo với Syria vừa qua Ankara cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án vụ Syria bắn vào thị trấn Akcakale của Thổ Nhĩ Kỳ. NATO bày tỏ sự ủng hộ với Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ cùng các đồng minh phương Tây tuyên bố luôn sát cánh cùng Ankara. Nhưng nhìn tổng thể, ai cũng kêu gọi hai bên kiềm chế để tránh leo thang.
Tính toán sai lầm
Rõ ràng là cộng đồng quốc tế, trong đó có các đồng minh phương Tây, không muốn có một cuộc chiến tranh Syria – Thổ Nhĩ Kỳ hay sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
NATO không muốn bị lôi kéo vào cuộc xung đột này. Các quốc gia Ả rập thì im lặng. Ả rập Xê út và Qatar (dưới sức ép của Mỹ) đã phải dừng cung cấp vũ khí hạng nặng cho phe đối lập Syria. Nói tóm lại, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị cô lập hoàn toàn trong vấn đề Syria ngoại trừ sự ủng hộ và cảm thông chỉ bằng lời nói.
Đổ lỗi cho các nước khác về tình hình hiện nay là vô ích. Điều mà Thổ Nhĩ Kỳ phải thừa nhận là chính phủ của Thủ tướng Erdogan trong khi xây dựng các kế hoạch giải quyết vấn đề Syria đã tính toán sai về phản ứng và thái độ của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các đồng minh của mình.