Thổ Nhĩ Kỳ chưa ngừng thanh trừng quân đảo chính
Vụ tấn công bất ngờ vào tổ hợp tòa án thường xuyên tiến hành các vụ xét xử quan trọng này là một biểu tượng quyền lực thời kỳ hậu đảo chính, cho thấy quá trình “thanh lọc” bộ máy chính quyền đã động chạm đến mọi lĩnh vực ở Thổ Nhĩ Kỳ, từ quân đội, luật pháp, giáo dục cho đến các hệ thống công lý.
Các cảnh sát mặc thường phục tiến hành bắt giữ nhân viên tòa án, dẫn giải họ rời khỏi tòa nhà vào các xe ô tô đang chờ sẵn. Theo hãng tin nhà nước Anadolu, lệnh bắt giữ đã được ban hành đối với 173 nhân viên tòa án, trong số đó có 136 người đã bị bắt giữ ngay tại buổi tấn công đột kích.
Anadolu cho biết, cảnh sát đã tìm kiếm các quan chức tại tòa án chính ở quận Caglayan, Istanbul cũng như hai tòa án khác ở phía Đông của thành phố. Nhà của các quan chức đang bị giam giữ cũng bị lục soát và tìm kiếm.
Tổng thống Erdogan vẫn tiếp tục tiến hành cuộc thanh trừng "khủng" sau vụ đảo chính bất thành. |
Kể từ sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7, hơn 35.000 người đã bị bắt giữ, trong đó 17.000 người bị bắt theo cách thức chính thống và hàng chục nghìn người đã bị buộc phải thôi việc. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho hay, hơn 76.000 nhân viên dân sự, các thành viên lực lượng an ninh và tòa án đã bị tạm giữ và gần 5.000 người bị sa thải.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã yêu cầu phía Hoa Kỳ trao trả giáo sỹ Fethullah Gulen, người mà Ankara cho rằng đã đứng sau vụ đảo chính, điều này khiến mối quan hệ giữa Ankara và phương Tây thêm phần căng thẳng.
Các quan chức phương Tây lo ngại rằng việc thanh trừng này sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO và là đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống IS do vị trị địa lý giáp Iraq và Syria.
Với những căng thẳng trong mối quan hệ với phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu quay lại bình thường hóa quan hệ với Nga, làm dấy lên những lo ngại rằng Tổng thống Erdogan và Tổng thống Nga Putin có thể sử dụng mối quan hệ này để gây áp lực cho Washington và Liên minh châu Âu.
Một nguy cơ khác là thỏa thuận giữ EU và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giảm bớt tình trạng người tị nạn ồ ạt tràn vào châu Âu, theo đó Ankara đã cam kết sẽ ngăn dòng người nhập cư tại bờ biển của nước này, từ đó sẽ hạn chế được số người nhập cư trái phép vào châu Âu.
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm qua (15/8) đã cho biết nước này có thể rút cam kết nói trên nếu EU không thông qua quy chế miễn visa cho Ankara vào tháng 10 tới. “Không có chuyện chúng tôi làm mọi điều tốt cho EU nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại chẳng nhận được gì”, ông nói.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.