Thiếu tướng Lê Đăng Dũng được giao Quyền Chủ tịch, Tổng giám đốc Viettel
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định giao Quyền Chủ tịch kiêm Quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đối với Thiếu tướng Lê Đăng Dũng. Ảnh: Zing.vn |
Trước đó, ngày 31/7/2018, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay mặt Thường vụ Quân ủy Trung ương, trao quyết định giao nhiệm vụ cho Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) giữ chức vụ phụ trách Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn này, thay Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel nhận nhiệm vụ trên cương vị mới là Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, kiêm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Trong vai trò mới, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng sẽ là người mang trọng trách kế thừa các thành quả công nghệ của giai đoạn Viettel 3.0 và trực tiếp đưa Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội bước vào một chương mới của lịch sử - Giai đoạn 4.0 và toàn cầu.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng có mặt ở Viettel từ năm 1996 và đã giữ vị trí Phó Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc của Viettel được 16 năm, dài nhất trong lịch sử Tập đoàn. Đồng chí cũng đã có 5 năm là Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội và giữ vị trí Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) từ năm 2016.
Năm 2018 đánh dấu nhiều dấu mốc quan trọng đối với Viettel khi được Chính phủ đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội và phê duyệt Phương án tái cơ cấu Tập đoàn đến năm 2020; công bố bước vào giai đoạn phát triển thứ 4: Giai đoạn của 4.0 và Kinh doanh toàn cầu.
Bước sang năm 2019, Viettel đề ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu 7,3% (hơn 251 nghìn tỷ đồng); lợi nhuận tăng 4,6% (hơn 39 nghìn tỷ đồng) so với năm ngoái. Viettel cũng dự kiến sẽ nộp 38.100 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước năm 2019.
Trong chiến lược giai đoạn 4 của mình, Viettel xác định phải đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 cho nền kinh tế với vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất, sản phẩm. Trong đó, tập trung vào các dự án 4.0 cho Chính phủ điện tử, giáo dục, nông nghiệp, thành phố thông minh,… từ cấp Trung ương đến cấp địa phương, tới từng lĩnh vực cuộc sống.
Năm 2018, Viettel đã hình thành nhiều sản phẩm, dịch vụ, hệ sinh thái công nghệ sẵn sàng trở thành nhà cung cấp dịch vụ số. Viettel tiếp tục nâng cấp mạng 4G làm hạ tầng cho các dịch vụ số cơ bản và kết nối nb - IoT. Khi có tần số, sẽ triển khai sớm nhất thử nghiệm 5G vào quí I/2019, mục tiêu thử nghiệm về kỹ thuật đồng thời xác định các mô hình kinh doanh băng rộng trên 5G. Sau 2020 sẽ triển khai mở rộng mạng 5G theo nhu cầu kinh doanh và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam.
Về mạng truyền dẫn: Viettel đã thực hiện ảo hóa các thiết bị mạng lõi, ảo hóa hạ tầng CNTT và chuyển đổi tất cả các ứng dụng CNTT lên nền tảng điện toán đám mây (Cloud), triển khai hệ thống mạng lưới phân phối nội dung CDN đến cấp tỉnh trên toàn mạng, sẵn sàng cho hạ tầng Mobile Edge Computing của công nghệ 5G.
Về hạ tầng dữ liệu: Viettel đã đầu tư 5 Data Center đúng chuẩn Tier 3 phổ biến của thế giới và tiến tới chuẩn Tier 4, đủ khả năng phục vụ cho hàng triệu khách hàng sử dụng dịch vụ IoT cùng lúc.
Về CNTT, Viettel đã và đang triển khai xuyên suốt các hệ thống CNTT theo hướng thông minh hơn, tăng trải nghiệm khách hàng trên nền tảng các công nghệ mới như Bigdata, AI, VR… bao gồm các hệ thống quản lý và chăm sóc khách hàng, hệ thống ERP, hệ thống phân tích dữ liệu thông minh, hệ thống tri thức khách hàng...
Mới đây, Viettel đã thành lập Công ty An ninh mạng theo đề án tái cơ cấu. Đây là đơn vị được giao trực tiếp nghiên cứu, triển khai các giải pháp tổng thể để đảm bảo bảo mật và an toàn thông tin, đáp ứng các thách thức của chuyển đổi số, bao gồm: Giải pháp bảo mật và an toàn thông tin tổng thể cho IoT và các phần mềm, ứng dụng CNTT; Giải pháp giám sát an toàn thông tin thông minh trên Cloud, có thể triển khai với quy mô quốc gia, cho các tổ chức lớn; Hệ thống tường lửa quốc gia để kiểm soát không gian mạng. Xây dựng các công cụ tự động phát hiện, cảnh báo tấn công; công cụ phòng thủ, phát động tấn công và tấn công trên không gian mạng.
Đối với lĩnh vực Công nghiệp - Công nghệ cao, Viettel tập trung vào nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm cho mạng lưới cung cấp dịch vụ số như: mạng lõi ảo, trạm vô tuyến 5G, các loại sensor, các thiết bị có nhúng sensor IoT, các sản phẩm AI,…
Nói về nhiệm vụ năm 2019, ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Viettel cho biết: “Viettel là doanh nghiệp chủ đạo trong lĩnh vực viễn thông và CNTT, để kiến tạo xã hội số, Viettel trước mắt cần làm hai việc: một là tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chuẩn công nghệ 4.0; hai là thể hiện tiếng nói, góp phần thúc đẩy thể chế đi nhanh hơn, Chính phủ số đi nhanh hơn".