Thiếu tá Mỹ điểm lại những “thất bại đáng xấu hổ” của Washington tại Iraq
Quá trình thay đổi chính quyền của Mỹ đã không diễn ra như họ mong muốn. Theo Thiếu tá quân đội Mỹ Danny Sjursen, người từng là giảng viên tại Học viện Quân sự West Point của Mỹ và là người từng làm nhiệm vụ ở Iraq và Afghanistan, chiến dịch của Mỹ đã không loại bỏ được lực lượng Taliban còn ở Iraq, tình hình cũng không khả quan hơn.
Binh lính Mỹ tại Iraq. |
Ông Sjursen cho biết ông đã từng làm nhiệm vụ tại Iraq vào các năm 2006 và 2007, hoạt động ở khu vực phía đông thủ đô Baghdad. Tại đây, kẻ thù chính của quân đội Mỹ là Quân đội Mahdi, lực lượng dân quân do giáo sĩ Muqtada al-Sadr đứng đầu. “Muqtada al-Sadr, trước đây là một thủ lĩnh có tư tưởng bài Mỹ, giờ đây đã trở thành một chính trị gia có tư tưởng đề cao chủ nghĩa dân tộc”, ông Sjursen cho biết.
Vào ngày 12/5, Iraq tổ chức bầu cử quốc hội. Tại quốc gia này, quốc hội sẽ bầu ra Tổng thống và Thủ tướng Iraq, những người này sẽ thành lập chính phủ. Đảng Liên minh Cải cách Iraq, có tên gọi khác là Saairun, ủng hộ Muqtada al-Sadr, đã giành được 54 ghế trong quốc hội. Với ông Sjursen, đây là một con số không hề nhỏ.
“Tôi được nghe tin này và tự hỏi mình rằng: ‘Người dưới quyền tôi đã hi sinh vì điều gì? Tôi đã chiến đấu vì điều gì khi kết quả sau 15 năm đóng quân ở Iraq, tôi lại thấy một thủ lĩnh đã vấy máu người Mỹ, kẻ chịu trách nhiệm cho cái chết hàng ngàn người Mỹ, giờ đây là một thế lưc lớn trong quốc hội dân chủ Iraq?’”, ông nói.
“Điều này khiến tôi rất tức giận. Tôi tự nghĩ rằng, có thể việc áp đặt giá trị của mình đối với một quốc gia khác là một vấn đề phức tạp hơn chúng ta tưởng. Có lẽ vấn đề nằm ở việc chúng ta không biết điều gì sẽ diễn ra tiếp theo sau khi lật đổ một chế độ độc tài. Và đôi lúc hậu quả của việc thay đổi một chế độ còn tệ hại hơn khi nó vẫn còn tồn tại”, ông nhận định.
Cuộc chiến tại Iraq của Mỹ vào năm 2003 đã khiến nước này tiêu tốn 2,4 nghìn tỷ USD và khiến gần 4.500 quân nhân Mỹ hi sinh, theo ông Sjursen là “một tấn bi kịch đối với nước Mỹ”.
“Đó là một thất bại đáng xấu hổ với người Mỹ”, ông nói. “Hơn thế nữa, nó là một thảm kịch lớn đối với người dân Iraq”. Được biết đã có khoảng 460.000 dân thường Iraq đã chết vì những lý do có liên quan đến cuộc chiến.
“Cuộc sống của nhiều người Iraq trở nên tồi tệ hơn sau khi chính quyền Saddam Hussein sụp đổ”, Thiếu tá người Mỹ nói. “Không phải bởi vì Saddam là người tốt, mà là vì khi chế độ cũ còn tồn tại, những thành phần thiểu số như người theo đạo Thiên Chúa, đạo Hồi dòng Sunni và người Kurd ở Iraq có nhiều quyền lợi và được đảm bảo cuộc sống của mình tốt hơn trước khi cuộc chiến xảy ra”.
“Đây là điều xảy ra khi anh tiến quân vào một quốc gia để lật đổ chính quyền: toàn bộ bộ máy nhà nước cũ bị sụp đổ và anh không thể đoán trước được tương lai đất nước sẽ ra sao”, ông Sjursen kết luận. “Đôi lúc, những kẻ điên cuồng, thủ lĩnh vũ trang hoặc nhiều kẻ khác đã nhân sự hỗn loạn trong nước để xây dựng quyền lực cho mình. Đây là điều mà chúng ta đã được thấy ở Iraq trong vòng 15 năm qua”.