Thiếu nước nghiêm trọng và kỷ lục trên sông Vu Gia
![]() |
Hồ chứa nước Hoà Khê (xã Hoà Sơn, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) đã cạn gần trơ đáy do thiếu nước nghiêm trọng trên sông Vu Gia - Ảnh: HC |
Ngày 21/3, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng Huỳnh Vạn Thắng cho biết, do lượng mưa trong mùa mưa năm 2012 trên lưu vực sông Vu Gia trung bình chỉ đạt 40% lượng mưa trung bình nhiều năm; lượng mưa từ đầu năm 2013 đến nay nhỏ; đồng thời nhà máy thủy điện ĐakMi 4 không xả nước về hạ du nên đã xuất hiện tình hình thiếu nước kỷ lục và nghiêm trọng trên sông Vu Gia, nguồn cung cấp nước chính cho TP Đà Nẵng.
Ông Huỳnh Vạn Thắng cho biết, Sở NN-PTNT Đà Nẵng đã cử đoàn công tác tiến hành khảo sát cụ thể hôm 18/3 và ghi nhận mực nước tại Ái Nghĩa là 2,21m. Đây là mực nước thấp kỷ lục trong tháng 3 kể từ 30 năm nay. Mực nước trước đập dâng An Trạch chỉ đạt 1,5m mặc dù đã đóng kín toàn bộ các cửa của hệ thống đập dâng An Trạch (các đập An Trạch, Hà Thanh, Bàu Nít và Thanh Quýt).
Do tình hình này, hiện ở hạ du sông Vu Gia đang diễn ra sự thiếu nước rất nghiêm trọng. Do sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng dài ngày nên nhà máy nước Đà Nẵng phải liên tục lấy nước thô từ đập dâng An Trạch từ cuối tháng 11/2012 đến nay. Và hiện nhà máy này đang phải tiếp tục đối mặt với khó khăn do thiếu lưu lượng và mực nước quá thấp bị hụt đầu nước.
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp của gần 7000 ha lúa thuộc các huyện Đại Lộc, Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) cũng bị thiếu nước do không đủ lưu lượng và hụt đầu nước ở các trạm bơm, máy bơm không hoạt động được. Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình hình hạn hán, thiếu nước sẽ còn tiếp tục diễn ra căng thẳng trong suốt mùa khô năm nay.
Trước tình hình trên, Sở NN-PTNT Đà Nẵng đã có báo cáo khẩn lên UBND TP, đề nghị lãnh đạo TP có văn bản gửi Bộ TN-MT yêu cầu nhà máy thủy điện ĐakMi 4 (nằm ở thượng nguồn sông Vu Gia, thuộc huyện Phước Sơn, Quảng Nam, do Công ty Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) làm chủ đầu tư) xả nước về lại sông Vu Gia chống hạn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Được biết, khi xây dựng thủy điện ĐăkMi 4, IDICO không thực hiện nguyên tắc trả nước về sông cũ như các thủy điện khác ở vùng thượng lưu sông Vu Gia mà lại chuyển nước về sông Thu Bồn để phát điện nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Chính cách làm đặt lợi nhuận lên trên hết này đã khiến 1,7 triệu dân vùng hạ du sông Vu Gia (gồm TP Đà Nẵng và các huyện Đại Lộc, Điện Bàn của Quảng Nam) thiếu nước nghiêm trọng trong mùa hạn hán, có thể dẫn tới thảm họa môi trường và bất ổn xã hội.
Do vậy, dự án này đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt của cả TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Qua xem xét tình hình, ngày 29/4/2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký công văn 2840/VPCP-KTN chỉ đạo xử lý tình hình thiếu nước ở hạ du sông Vu Gia có liên quan đến dự án thủy điện ĐakMi 4. Theo đó, chủ đầu tư dự án thủy điện này phải thiết kế cống điều tiết tại tuyến đập thủy điện có khả năng xả 25 m3/s nước trở lại sông Vu Gia
Theo số liệu vừa được Sở NN-PTNT Đà Nẵng báo cáo với UBND TP thì hiện mực nước tại hồ thủy điện ĐakMi 4 là 250,7m, cao hơn mực nước chết 10,7m và lưu lượng nước đến hồ vào khoảng 25 đến 40 m3/s. Tuy nhiên vì lợi ích của riêng mình, nhà máy thuỷ điện này mình vẫn không chịu xả nước cứu hạn ở hạ du theo đúng chỉ đạo trước đây của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT Đà Nẵng cũng đề nghị UBND TP có văn bản gởi UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất cử 2 Sở NN-PTNT của 2 địa phương nghiên cứu giải pháp cấp bách đóng chặn tạm thời cửa vào sông Quảng Huế bằng đất, bao tải cát để tập trung nước về sông Ái Nghĩa phục vụ cấp nước nông nghiệp cho các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Hòa Vang và cấp nước sinh hoạt cho TP Đà Nẵng.