Thiếu chính sách hỗ trợ cho người dân tộc
Thiếu chính sách hỗ trợ cho người dân tộc
Sáng 18/4, tại Làng Văn hóa các dân tộc VN (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa các dân tộc VN.
Hội nghị sơ kết 3 năm về thực hiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam |
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ Anh Tuấn đánh giá, trong 3 năm qua, trên khắp mọi miền của Tổ quốc, đồng bào các dân tộc, các địa phương từ miền núi đến đồng bằng, từ biên giới tới hải đảo bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực đã tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng, từng bước đưa các hoạt động ngày 19/4 hằng năm trở thành nề nếp, thực sự là một sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hoá, xã hội sâu sắc, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc.
Với chủ đề “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”, Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam những năm qua là cầu nối giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về văn hoá cũng như sản xuất, từ đó tương trợ nhau cùng phát triển, góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát triển các giá trị văn hoá.
Về những hạn chế trong việc thực hiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 3 năm qua, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nhận xét, có lúc, có nơi tổ chức Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam vẫn còn mang tính hình thức, chưa thật sự thiết thực, thiếu những việc làm, hoạt động cụ thể vì cộng đồng, từ cộng đồng các dân tộc.
Nhiều hoạt động, tuy có chủ đề, nội dung cụ thể nhưng thiếu tính kết nối với các hoạt động, chương trình của quốc gia, vùng, miền, địa phương; công tác truyền thông còn chưa tương xứng yêu cầu, nhiệm vụ, việc hướng dẫn thực hiện Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam nơi có, nơi không, hoặc còn chậm; việc đôn đốc báo cáo, đúc rút kinh nghiệm, biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam còn chưa kịp thời.
Ngày 19/4 hằng năm thực sự là một sự kiện có ý nghĩa, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Ảnh: Q.Anh |
Ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH,TT&DL Lào Cai, thẳng thắn nhận định, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 3 năm qua thường nặng về hoạt động quảng bá, và cách quảng bá như thế nào cho hiệu quả thì cần phải rút kinh nghiệm.
Ông Sơn cũng đề xuất, những năm tới Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam cần tăng hàm lượng khoa học, nhất là hội thảo khoa học, để giải quyết cấp bách những vấn đề của dân tộc đặt ra trong thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa như: bảo tồn bản sắc dân tộc, các chính sách hỗ trợ cho người dân tộc…
GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng bày tỏ ý kiến, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam không phải chỉ là chỗ quảng bá mà phải là mẫu hình giữ gìn văn hóa dân tộc. Đồng thời GS Tô Ngọc Thanh cũng hy vọng Làng sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu về văn hóa dân tộc.
Về phương hướng hoạt động trong thời gian tới, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá nhằm khơi dậy ý thức tự giác, lòng tự hào, trách nhiệm của đồng bào các dân tộc trên cả nước. Đồng thời ban hành các cơ chế chính sách đãi ngộ phù hợp nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng các hoạt động, nhằm nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho nhân dân.
H.Thúy