Vô tình lướt sóng thành cổ đông, 'mắc kẹt' ở cổ phiếu thép
Bất chấp việc VN-Index và VN30 thiết lập đỉnh lịch sử mới trong phiên giao dịch ngày 24/11, nhóm cổ phiếu ngành thép vẫn tiếp tục giảm giá và chưa có dấu hiệu dừng lại.
“Cố ý trồng hoa, hoa không nở. Vô tình lướt sóng thành cổ đông” là câu nói vui của các nhà đầu tư chứng khoán, ám chỉ việc lướt sóng cổ phiếu nhưng lại bị mắc kẹt. Câu nói này càng trở nên đúng với tình cảnh của các nhà đầu tư đang bị “kẹp hàng” cổ phiếu thép.
Ảnh minh họa |
Trong phiên giao dịch 24/11, trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bán lẻ đồng loạt tăng mạnh, nhóm cổ phiếu thép vẫn đứng ngoài cuộc khi tiếp tục bị bán tháo và kết phiên trong sắc đỏ với HPG của Tập đoàn Hòa Phát giảm 1,8%, NKG của Thép Nam Kim giảm 5%, HSG của Tập đoàn Hoa Sen giảm 2,9%, TLH của Thép Tiến Lên giảm 1%, SMC của CTCP Đầu tư Thương mại SMC giảm 1,8%,...
Trong cơn bão giảm giá của cổ phiếu thép kể từ đầu tháng 11 đến nay, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, thị giá của cổ phiếu HPG đã giảm 16%, từ đỉnh giá 58.000 đồng xuống còn 48.650 đồng/cp sau khi kết thúc phiên 24/11. Cùng thời gian trên, HSG giảm tới 21% còn 37.950 đồng/cp.
Như vậy, chỉ từ đầu tháng 11 tới nay, ông chủ của tập đoàn thép có thị phần lớn nhất Việt Nam, Trần Đình Long, đã đánh mất 10.900 tỷ đồng từ việc HPG giảm giá. Hiện giá trị cổ phiếu HPG do ông Long nắm giữ đã lùi về ngưỡng 56.745 tỷ đồng, đứng thứ hai trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.
Trong khi đó, giá trị tài sản của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hoa Sen Group cũng đã giảm 822 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ giảm giá của HSG kể từ đầu tháng. Ông Vũ hiện đứng thứ 55 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán với khối tài sản từ cổ phiếu HSG trị giá 3.100 tỷ đồng.
Cũng kể từ đầu tháng đến nay, các cổ phiếu ngành thép có thị phần nhỏ hơn là TLH của Thép Tiến Lên và SMC của CTCP Đầu tư Thương mại SMC lần lượt giảm 17% và 20%. Đóng cửa phiên 24/11, giá cổ phiếu TLH giảm còn 20.000 đồng/cp, SMC giảm còn 42.800 đồng/cp.
Có mức giảm thấp hơn, cổ phiếu TIS của CTCP Gang thép Thái Nguyên giảm 13% còn 14.200 đồng/cp. Thậm chí, giá cổ phiếu NKG của CTCP Thép Nam Kim giảm hẳn 25,45% kể từ đầu tháng 11, còn 41.000 đồng/cp.
Điều đáng nói, một số doanh nghiệp thép nói trên như Hòa Phát, Tôn Hoa Sen có kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm rất tốt, lại là những doanh nghiệp có thị phần dẫn đầu cả trong nước và xuất khẩu.
Cụ thể, quý 3/2021, Tập đoàn Hòa Phát đạt 38.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 56% và lợi nhuận sau thuế lần đầu tiên trong lịch sử đạt 10.350 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với quý 3/2020.
Lũy kế 9 tháng, HPG ghi nhận doanh thu hơn 105.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 27.100 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 60% và 200% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng vượt 45% kế hoạch năm.
NKG cũng khép lại quý 3 với mức tăng trưởng đột biến về lợi nhuận, đạt 607 tỷ đồng, gấp 7,3 lần cùng kỳ 2020, luỹ kế 9 tháng đạt 1.773 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ năm trước.
HSG cũng công bố ước tính kết quả kinh doanh hợp nhất niên độ 2020-2021 (từ ngày 1/10/2020 đến ngày 30/9/2021) với sản lượng tiêu thụ 2.253.733 tấn, vượt 25% kế hoạch. Tương ứng, doanh thu ước đạt 48.727 tỷ đồng, tăng 77% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 4.313 tỷ đồng, tăng đến 274% so với cùng kỳ.
Thép Tiến Lên kết thúc quý 3/2021 với doanh thu 909 tỷ đồng, lãi ròng 101 tỷ, tăng đến 742% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu công ty tăng 15% lên 3.284 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng đột biến, từ mức chỉ hơn trăm triệu tăng lên đến 408 tỷ đồng. So với kế hoạch 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, 9 tháng TLH đã vượt xa chỉ tiêu cả năm.
Theo các chuyên gia phân tích, “vận hạn” của cổ phiếu thép, hay nói đúng hơn là “vận hạn” của các nhà đầu tư lướt sóng cổ phiếu thép xuất phát từ việc giá thép và giá quặng sắt trên thế giới giảm trong thời gian qua.
Nguyên nhân quặng sắt giảm giá đó là do tồn trữ nguyên liệu này tại Trung Quốc đạt mức cao nhất 31 tháng, một phần do nhu cầu tại nước sản xuất thép hàng đầu thế giới giảm. Tồn trữ quặng sắt nhập khẩu tại các cảng của Trung Quốc trong tuần trước tăng lên 147,6 triệu tấn – cao nhất kể từ tháng 4/2019, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Trong khi đó, giá than (nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thép) trên thế giới lại liên tục tăng giá cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư không đặt nhiều kỳ vọng vào cổ phiếu thép.
Bên cạnh đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 101/2021/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Trong đó, giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của một số sản phẩm thép xây dựng, thép tấm với mức giảm thuế suất từ 5% đến 10%. Bộ Tài chính cho biết, giảm thuế các mặt hàng nhập khẩu sẽ giúp giá hàng hoá trong nước hạ nhiệt.
Hiền Anh
Chứng khoán hồi phục bất ngờ, nhà đầu tư dè dặt 'thoát hàng'
Nhà đầu tư đã mua vào khi thị trường vượt vùng đỉnh cũ 1.420-1.425 điểm và đã mua thêm khi thị trường kiểm định hỗ trợ 1.450 điểm có thể tiếp tục canh những nhịp tăng điểm trong phiên để giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.