Sau Tết có hơn 1 tỷ, nên gửi tiết kiệm hay mua vàng, cổ phiếu hay nhà đất có lợi nhất?
Đầu năm 2021 dịch bệnh bùng phát và lây lan phức tạp nên nhiều người có tiền đang loay hoay không biết đầu tư vào đâu, gửi tiết kiệm, mua vàng, đầu tư cổ phiếu hay bất động sản để vừa an toàn lại sinh lời được?.
Anh Quốc Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, “vừa rồi về quê ăn Tết, vợ chồng tôi được bố mẹ cho 500 triệu đồng vì ông bà bán được mảnh đất ở trung tâm huyện. Cùng với số tiền tiết kiệm sẵn có của vợ chồng tôi gom vào được tổng hơn 1,2 tỷ đồng.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người thì bảo chúng tôi nên gửi tất vào ngân hàng lấy lãi cho an toàn, nhưng cậu em làm ở công ty chứng khoán thì bảo chúng tôi chỉ nên gửi ngân hàng 1 nửa, còn 1 nửa mua cổ phiếu đầu tư".
Bản thân anh Thái thì không muốn gửi tiền ở ngân hàng vì lãi suất quá thấp, trừ phi không có kênh đầu tư nào thì phương án cuối cùng mới đem tiền gửi ngân hàng. Tuy nhiên, đầu tư vào đâu để sinh lời thì anh Thái vẫn chưa quyết định được.
Hơn nữa, đầu năm nay dịch bệnh bùng phát và lây lan phức tạp nên nếu có tiền thì đầu tư vào đâu để vừa an toàn lại sinh lời được cũng là câu hỏi không riêng gì anh Thái mà cũng được rất nhiều người quan tâm.
Liên quan đến các kênh đầu tư, phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu với PV Infonet hy vọng sẽ giúp độc giả có thể quyết định kênh đầu tư cho mình.
Năm 2021 có tiền nên đầu tư vào đâu để vừa an toàn lại sinh lời? (ảnh minh họa). |
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, với kênh đầu tư vàng đang rất sốt nóng, nhất là gần đến ngày vía Thần Tài nhiều người cũng nhấp nhỏm xem có nên mua vàng bây giờ hay không. Nhiều người có suy nghĩ mua vàng bây giờ đợi vài ngày nữa là ngày vía Thần Tài giá vàng lên cao bán ra sẽ có lời.
Thế nhưng, ông Hiếu phân tích, giá vàng hiện rất bất ổn, đặc biệt là khi giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch nhau tới 6-7 triệu đồng/lượng.
“Về lâu dài chưa ai biết được giá vàng sẽ đi về đâu. Thị trường vàng còn bấp bênh nhưng đang trong xu hướng giảm. Trong khi đó, giá vàng ở Việt Nam không điều chỉnh theo như giá vàng thế giới, hiện giá vàng trong nước vẫn còn cao. Khả năng giá vàng sẽ duy trì ở mức cao cho đến ngày vía Thần Tài. Như những năm trước, giá vàng sau ngày Thần Tài xuống rất nhanh, nên những ai đầu tư vàng nên cẩn thận trong lúc này. Việc mua vàng để ăn lời vào ngày Thần Tài là điều hết sức rủi ro”, ông Hiếu nói.
Nhận định về giá vàng từ nay đến cuối năm, ông Hiếu cho rằng, có thể giá vàng sẽ tăng bởi những bất ổn trên thế giới cũng như tình hình kinh tế của Mỹ dù có các gói hỗ trợ nhưng vẫn đang giai đoạn khủng hoảng khi dịch bệnh còn chưa chấm dứt, vẫn đang tác động đến nền kinh tế Mỹ.
Đối với kênh tiền gửi ngân hàng, ông Hiếu cho hay, lãi suất hiện vẫn đang ở mức thấp và lãi suất huy động có thể tiếp tục giảm trong quý 1/2021. Bởi lẽ, nhu cầu vay lớn nhưng các ngân hàng hiện rất thận trọng trước sự tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế nói chung.
Sang quý 2 có thể lãi suất tiếp tục giảm, nhưng nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhu cầu vay tăng thì lãi suất có thể lại điều chỉnh tăng.
Bất động sản có cơ hội phục hồi vào năm ngoái nhưng vẫn còn một số điểm còn nóng sốt, nhất là những điểm xung quanh những khu vực có quy hoạch và gần dự án lớn. Khi nền kinh tế chung bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì cũng cần theo dõi sự tác động đến tình hình giao dịch ở các sàn giao dịch bất động sản.
“Thị trường bất động sản sắp tới cũng sẽ có sự ảnh hưởng nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát”, ông Hiếu nhận định.
Còn với thị trường chứng khoán, ông Hiếu cho hay, chứng khoán tăng điểm mạnh thời gian vừa qua, nhưng việc tăng điểm này có thể không phải do tăng trưởng kinh tế, sức khỏe của các tổ chức phát hành mà dòng tiền đổ vào chứng khoán ngày càng ngày càng nhiều, có thể một phần do lãi suất thấp.
“Nhiều người đổ tiền vào chứng khoán nhưng cần cẩn thận bởi chứng khoán có thể có bong bóng. Thời gian vừa qua, cả năm 2020, GDP tăng trưởng 2,91%, mặc dù tăng trưởng dương tốt hơn nhiều quốc gia, nhưng tăng trưởng thấp, sức khỏe các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh thì chứng khoán lại lên mạnh mẽ. Sự tăng trưởng của chứng khoán có thể do đầu cơ, dòng tiền đổ vào vì lãi suất ngân hàng thấp hoặc do các kênh đầu tư khác có sự bất ổn. Các nhà đầu tư vào chứng khoán nên cẩn thận vào lúc này”, ông Hiếu lưu ý.
Theo vị chuyên gia kinh tế này, đầu tư vào đâu phải đạt các mục tiêu: an toàn vốn, sinh lời và thanh khoản.
“Có những nhà đầu tư đặt ưu tiên kênh đầu tư phải có tính thanh khoản cao thì họ chọn kênh đầu tư gửi tiền ngân hàng và vàng. Còn chọn kênh đầu tư sinh lời thì chọn chứng khoán nhưng kênh này không có tính an toàn vốn cao, tính thanh khoản có thể có lúc còn thấp hơn tiền gửi ngân hàng và vàng. Bất động sản là kênh thanh khoản thấp, nhưng tỷ lệ sinh lời cao nếu tìm được sản phẩm có giá tốt, địa điểm tốt. Song, vấn đề an toàn vốn ở kênh đầu tư bất động sản thì chưa chắc vì kinh doanh bất động sản có thể thua lỗ, muốn bán bất động sản cũng cần có thời gian”, ông Hiếu phân tích.
Vì vậy, theo vị chuyên gia này, với những người trẻ có thể mạo hiểm hơn thì tìm kênh đầu tư sinh lời cao, không quan tâm nhiều đến an toàn vốn, thanh khoản thì họ “chạy” vào chứng khoán; những người có tuổi thì an toàn vốn là trên hết nên họ chọn gửi tiết kiệm… hoặc có thể đầu tư vào vàng.
“Tùy theo mục tiêu của mình để có thể chọn kênh đầu tư phù hợp. Song, tốt nhất nên chia số tiền của mình sẵn có cho các kênh đầu tư để tránh rủi ro nếu có nhiều tiền. Còn nếu có ít tiền thì gửi tiết kiệm ngân hàng là an toàn nhất”, ông Hiếu đưa ra lời khuyên.
Minh Thư
Năm 2021, nhà đầu tư bất động sản thận trọng nếu không xác định đầu tư lâu dài
Dưới góc nhìn của các lãnh đạo công ty bất động sản, thị trường năm 2021 vẫn còn nhiều tiềm năng cho những nhà đầu tư, nhưng cần nghiên cứu thận trọng và cần xác định đầu tư lâu dài…