F0 kêu bị 'úp sọt', môi giới lãi lớn vì 'xui dại' nhà đầu tư, 'vừa đá bóng vừa thổi còi'
Nhiều môi giới của chứng khoán khuyến nghị các nhà đầu tư mua cổ phiếu với giá thấp nhưng rồi chính họ lại chốt lời với giá trung bình cao hơn khiến các nhà đầu tư cho rằng việc này chẳng khác gì "vừa đá bóng vừa thổi còi" khiến họ bị "úp sọt"...
Ảnh minh họa |
Nhà đầu tư kêu bị "úp sọt"?
Tính minh bạch trong hoạt động của công ty chứng khoán vẫn là một dấu hỏi lớn đối với cộng đồng các nhà đầu tư chứng khoán, khi một công ty vừa hoạt động nghiệp vụ tự doanh, lại vừa hoạt động nghiệp vụ môi giới chứng khoán. Điều này dấy lên lo ngại về một sự xung đột lợi ích giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư.
Chủ đề này đang trở thành đề tài “nóng” trên các diễn đàn chứng khoán, nhất là sau khi các nhà đầu tư phát hiện việc Công ty Chứng khoán S… (một công ty có thị phần môi giới dẫn đầu thị trường) gần đây gửi khuyến nghị đến các nhà đầu tư mua cổ phiếu STB ở vùng giá 32.000 đồng/cp, VRE ở vùng giá 32.000 – 33.000 đồng/cp.
Nhưng cũng tại thời điểm đó, phía công ty chứng khoán tự doanh này lại chốt lời cổ phiếu STB với giá trung bình 33.480 đồng/cp, và chốt lời VRE với giá trung bình 33.790 đồng/cp.
“Qua sự việc này, một lần nữa đề nghị UBCK cấm công ty chứng khoán vừa làm môi giới lại vừa tự mua bán chứng khoán đã gây xung đột lợi ích nghiêm trọng và biến các nhà đầu tư thành các nạn nhân của công ty chứng khoán. Đó là chưa kể việc công ty chứng khoán có thể soi được tài khoản của các nhà đầu tư để biết tình trạng của các tài khoản. Lúc thị trường bị giải chấp, các công ty chứng khoán hoàn toàn có thể tính toán được cần giải chấp những mã nào để dìm giá các mã đó xuống thật sâu, qua đó bộ phận tự doanh mua được với giá rẻ hơn” – Nhà đầu tư N.V.L nói.
Theo ý kiến của nhà đầu tư V.L.L, nên cấm công ty chứng khoán tự doanh hoặc phải công bố thông tin, đồng thời báo cáo giao dịch mua/bán trước 7 ngày.
Tranh luận về chủ đề này, nhà đầu tư G.C.L cho rằng đã tham gia vào thị trường, nhà đầu tư nhất là các F0 nên tự trang bị cho mình kiến thức cơ bản để không bị chi phối bởi các khuyến nghị mua/bán từ công ty chứng khoán.
Theo anh G.C.L, nếu không có kiến thức mà chỉ có tiền, nhà đầu tư dù có bao nhiêu tiền cũng chỉ như muối bỏ bể.
“Công ty chứng khoán có mức giá vốn thấp hơn rất nhiều những người mua sau. Đồng hành theo list họ kinh doanh cũng được nhưng bạn phải có kiến thức để tìm hiểu xem thời điểm họ khuyến nghị giá có rẻ không? Đã tăng giá nhiều chưa? Và quan trọng nhất là phải nắm giữ lâu dài thì cửa thắng mới có”, nhà đầu tư G.C.L nói.
Theo nhà đầu tư này, việc công ty chứng khoán đưa ra khuyến nghị cũng như một doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm, người tiêu dùng tin thì mua, không tin thì không mua. Thay vào đó, để trụ lại với thị trường nhà đầu tư phải trải qua thất bại, từ đó rút ra cho mình những bài học đắt giá. Khi yếu tố cảnh giác, chế ngự lòng tham, công thức chiến thắng được tôi luyện như một thói quen mài dũa qua từng năm tháng thì lúc đó nhà đầu tư đã chiến thắng được chính mình.
“Không ai chiến thắng 100% ở thị trường này. Đầu tư 10 mã, thắng 6-7 thua 2-3 hoặc hoà 1 đã là thành công lớn ở TTCK rồi. Do đó thay vì đổ thừa thất bại của mình cho kẻ khác thì hãy nhìn lại mình để setup lại, nâng trình độ của mình lên... Chứng khoán không phải là tất cả. ” – Nhà đầu tư G.C.L đưa ra lời khuyên.
Hoạt động tự doanh của công ty chứng khoán thắng lớn
Báo cáo tài chính quý 1/2022 của nhiều công ty chứng khoán cho thấy hoạt động tự doanh thắng lớn, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận chung của công ty.
Đơn cử như Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2022 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 2.068,4 tỷ đồng và 883,3 tỷ đồng, tăng 36,2% và 66,6% so với quý 1/2021.
Trong đó, doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán đạt 599,5 tỷ đồng, tăng 37%. Đáng chú ý, hoạt động đầu tư ghi nhận doanh thu 633,2 tỷ đồng, tăng 5,6%.
Còn CTCP Chứng khoán VNDirect (VND) cũng đã công bố báo cáo tài chính riêng quý 1/2022 với doanh thu 1.767 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi trước và sau thuế của công ty lần lượt 956,3 tỷ đồng và 762,2 tỷ đồng, đều tăng 48% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục trong một quý mà VND đạt được kể từ khi hoạt động.
Đáng chú ý, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt hơn 664 tỷ đồng, tăng 45%. Trong danh mục tự doanh cổ phiếu niêm yết của VNDirect, cổ phiếu PTI có tỷ trọng lớn nhất với giá trị hợp lý gần 952 tỷ đồng và cũng là khoản đầu tư hiệu quả nhất khi giá gốc chỉ gần 267 tỷ đồng. Ngoài ra, CTCK này còn nắm giữ lượng lớn cổ phiếu NLG, VPB, MWG, LTG,...
Tương tự, CTCP Chứng khoán VIX (mã VIX) cũng công bố báo cáo tài chính riêng quý 1/2022 với danh mục tự doanh gồm cổ phiếu niêm yết, chưa niêm yết và trái phiếu đã tăng gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm lên gần 2.600 tỷ đồng. Trong khi đó, giá gốc ghi nhận 2.393 tỷ đồng, tạm lãi hơn 200 tỷ đồng.
Và Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cũng vừa báo lãi quý 1 tăng 36% nhờ thắng lớn trong nghiệp vụ tự doanh. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 33% so với cùng kỳ lên 97,2 tỷ đồng. Thời điểm 31/3, danh mục tự doanh của BSC có giá trị hợp lý lên đến 1.282 tỷ đồng, tăng gần 240 tỷ đồng so với đầu năm.
Các cổ phiếu niêm yết có tỷ trọng lớn trong danh mục của BSC bao gồm STB, TCB, VIB, PET, TDP, MIG trong đó TCB, VIB và PET là những cái tên được mua mạnh trong quý 1 vừa qua. PET là khoản đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất danh mục, tạm thời ghi lãi 21 tỷ đồng trong khi giá gốc chỉ hơn 28 tỷ đồng.
Hiền Anh
Sau “ngày thứ Hai đen tối”, thị trường có hồi phục theo đà “rút chân” của nến?
Do áp lực giảm điểm của thị trường chứng khoán Mỹ có thể khiến thị trường Việt Nam chịu áp lực rung lắc mạnh trong những phiên tiếp theo, ngừng bán tháo sẽ là giải pháp tốt hơn cho chính nhà đầu tư