Nhân viên ngân hàng nào kiếm tiền giỏi nhất?
Con số thống kê trong năm 2021 cho thấy, cần đến 4 nhân sự của BIDV mới đem về được lợi nhuận bằng 1 nhân sự của Techcombank.
Một trong những yếu tố làm nên thành công của doanh nghiệp đó là xây dựng được bộ máy nhân sự vận hành hiệu quả. Với ngành ngân hàng, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng và có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với hiệu quả hoạt động, mà còn tạo ra sự khác biệt trong tăng trưởng và phát triển bền vững.
Thông qua cách tính Lợi nhuận trước thuế/số lượng nhân viên trung bình trong năm, năng suất lao động của các nhân viên Ngân hàng được mô tả theo thứ hạng dưới đây.
Tổng hợp từ BCTC của 18 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất theo số liệu đến cuối năm 2021. |
Sự chênh lệch về năng suất lao động giữa các nhà băng thể hiện khá rõ. Theo đó, trung bình 1 nhân viên ở Techcombank mang lại 1,9 tỷ đồng trong năm 2021 cho ngân hàng, và đang là nhóm nhân sự có "khả năng kiếm tiền" tốt nhất.
Tiếp theo đó là nhân viên Vietcombank với bình quân mỗi người mang lại 1,3 tỷ đồng lợi nhuận cho ngân hàng trong năm 2021.
Điều thú vị ở TOP 5 là MBbank và ACB mặc dù có lợi nhuận trước thuế lần lượt hơn 16.000 và gần 12.000 tỷ đồng, nhưng phải cần tới hệ thống 15.381 và 11.692 nhân viên (trung bình trong năm), nên tính ra năng suất lao động chỉ xấp xỉ bằng với MSB, là nhà băng chỉ với hơn 5.000 nhân viên cũng tạo ra được hơn 5.000 tỷ lợi nhuận.
Trong các ngân hàng quốc doanh, ngoại trừ Vietcombank thì Vietinbank, BIDV và Agribank đều đang tỏ ra lép vế hơn khối cổ phần khi so sánh về hiệu quả hoạt động của nhân viên.
Cụ thể, trong năm 2021, trung bình 1 nhân viên Vietinbank tạo ra 709 triệu đồng lợi nhuận (trước thuế). Con số này giảm dần ở BIDV và Agribank, lần lượt là 504 và 369 triệu đồng, khá thấp khi so với các ngân hàng ngoài quốc doanh có quy mô tài sản nhỏ hơn như OCB, VIB, TPB hay SHB.
Nói một cách ví von, cần tới 5 nhân viên Agribank hay 4 nhân viên BIDV để tạo ra được khoản lợi nhuận mà 1 nhân viên Techcombank "kiếm được" trong năm 2021. |
Tất nhiên, với những nhà băng có năng suất lao động cao như Techcombank hay Vietcombank,.. mức thu nhập của nhân viên cũng hoàn toàn tương xứng.
Chẳng hạn, nhân sự Techcombank nhiều năm nay vẫn có tiếng là "ấm no", tiền lương bình quân của Techcombank trong năm qua là 36 triệu đồng/người/tháng và cộng thêm phụ cấp, thu nhập khác sẽ lên thu nhập bình quân đạt 44 triệu đồng/người/tháng, tăng 7 triệu đồng so với năm 2020.
Thu nhập của nhân viên Vietcombank cũng không phải bàn, bình quân lương và phụ cấp của nhân viên Vietcombank trong năm qua là gần 32,7 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 1 triệu đồng so với năm 2020.
Các ngân hàng như Vietinbank, BIDV, ACB, MBbank,...có mức thu nhập trung bình của nhân viên dao động khoảng 27 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng/tháng trong năm 2021.
Việc thống kê thu nhập trung bình 1 nhân viên mang lại chỉ mang tính chất tương đối do nhiều yếu tố như thu nhập bất thường hạch toán trong lợi nhuận... và đương nhiên không phản ánh chất lượng nhân sự của các nhà băng.
Tuy nhiên, nó phản ánh phần nào về mức độ ứng dụng khoa học công nghệ vào việc kinh doanh, giúp cải thiện năng suất lao động. Rõ ràng, những ngân hàng đi đầu và "mạnh tay" đầu tư cho công nghệ sẽ tiết kiệm được nhân sự vận hành, năng suất lao động được nâng cao hơn.
Như câu chuyện báo chí vẫn nhắc lâu nay về Techcombank, chính việc đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, tự động hóa từ sớm (giai đoạn 2016 - 2020) là "bí quyết" giúp nhà băng này giữ vị trí số 1 về hiệu quả hoạt động trong nhiều năm nay.
Hay mới đây mọi người nói nhiều hơn đến sự vươn lên của Tienphongbank -TPbank, với xuất phát điểm thấp về hiệu quả và quy mô. Tổng tài sản của TPbank hết năm 2021 chỉ gần 300.000 tỷ đồng, nhỏ hơn rất nhiều nếu so sánh với BIDV, Vietcombank, Agribank hay Vietinbank.
Tổng hợp từ số liệu BCTC hợp nhất các NH công bố |
Cách đây 10 năm, Ngân hàng Nhà nước công bố 9 ngân hàng yếu kém bị buộc phải tái cơ cấu do thua lỗ nặng, âm cả vốn điều lệ. Các ngân hàng phải lựa chọn phương thức tái cơ cấu thông qua sáp nhập hoặc tìm kiếm nhà đầu tư mới. Tienphong Bank khi đó với số lỗ luỹ kế trên 1.300 tỷ đồng, được DOJI đổ tiền vào và sở hữu 20% vốn - trở thành cổ đông lớn nhất. Các cổ đông cũ, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài như SBI Holdings cũng tham gia rót vốn.
Đến nay, trong 10 năm sau cuộc tái cơ cấu và tròn 14 năm kể từ khi ra đời, Tienphong Bank đã thay đổi hoàn toàn ngoạn mục, nằm trong nhóm các ngân hàng có tỷ suất sinh lời trên vốn và tài sản cao nhất thị trường, với ROA, ROE năm 2021 lần lượt là 19,3% và 19,5%.
Điểm nhấn của TPBank là chuyển đổi số, với nhiều năm liền được ghi nhận là ngân hàng số tốt nhất tại Việt Nam.
Theo số liệu mới nhất Ngân hàng công bố, số lượng người dùng kênh ngân hàng số của TPBank chiếm đến 50% lượng khách hàng đang có, với 78 triệu lượt giao dịch qua kênh số của nhà băng này năm vừa qua. Tỷ trọng giao dịch qua kênh ngân hàng số chiếm đến 99%; 90% công việc và vận hành không sử dụng giấy tờ và 80% ứng dụng công nghệ tại TPBank sử dụng AI, máy học, tự động hóa...
Vì vậy không quá khó hiểu khi với thị phần không lớn, cũng không có nhiều lợi thế về casa, tập khách hàng truyền thống, vốn... như các Ngân hàng lớn nhưng thu nhập trung bình mà 1 nhân viên ở TPBank mang lại cho ngân hàng năm ngoái vẫn khá ấn tượng, ở mức 822 triệu đồng.
Giải ngố về nợ xấu và dự phòng rủi ro, nhìn từ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở VPBank: Có phải khoản vay có nợ càng xấu, nhà băng cần trích lập dự phòng càng lớn?
Ngồi ghế nóng, các lãnh đạo ngân hàng vẫn khổ luyện thể thao, thành tích vạn người mơ
Trẻ trung, tài giỏi, năng động,… là điểm chung của lớp lãnh đạo ngành ngân hàng trẻ hiện nay. Bên cạnh đó, nhiều người trong số họ còn có thêm điểm chung khi chăm chỉ rèn luyện sức khoẻ, tập thể thao.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế