Loại bất động sản này hun ‘nóng’ thị trường bất chấp dịch bệnh, nhưng đổ tiền vào vẫn phải cân nhắc
Bất động sản vùng ven là phân khúc được nhiều nhà đầu tư quan tâm do biên độ lợi nhuận khá hấp dẫn. Tuy nhiên, theo chuyên gia, nhà đầu tư nên cân nhắc dòng tiền, hạn chế sử dụng vốn vay ngân hàng thời điểm này.
Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, trong hai năm Covid, thị trường bất động sản bị tác động rất khác so với những cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây. Những năm 1997-1998, 2007-2008 hay 2011-2012, dù nhiều nguyên do khác nhau nhưng thị trường bất động sản đều rơi vào cảnh bị giảm khoảng 30-40% giá cả.
Tuy nhiên, thời điểm dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề nhất đến kinh tế năm 2020-2021, giá cả bất động sản vẫn không bị mất giá.
Những phân khúc bất động sản luôn làm ‘nóng’ thị trường dù dịch bệnh, nên bỏ tiền vào đâu? |
Lý do vì sao? Ông Khương cho rằng có nhiều lí do khách quan và chủ quan. Cụ thể, trong 5 năm vừa qua đối với thị trường bất động sản nói chung và bất động sản ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có những vấn đề liên quan đến việc thực hiện và quản lý dự án, do vậy nguồn cung trên thị trường có sự thiếu hụt. Hơn nữa, việc có những quỹ đất bù đắp cho sự thiếu hụt là thực sự khó khăn. Từ đó, mặt bằng chung, giá bất động sản không có sự giảm nhiệt.
Mặt khác, bên cạnh bất động sản du lịch, công nghiệp, văn phòng, căn hộ dịch vụ thì bất động sản nhà ở luôn là điểm nóng của thị trường và được thể hiện rõ trong những năm vừa qua.
Dẫn chứng cụ thể, ông Khương cho hay, nếu tính thời điểm 2007-2008,một dự án ở quận 2 (TP.HCM) với giá 2.500 USD là một số tiền rất lớn, còn bây giờ ở TP.HCM không còn những sản phẩm kiểu vậy nữa. Với 2.500 USD, hiện tại chỉ có thể mua được những dự án ở vùng rìa thành phố. Điều này cho thấy, giá bất động sản trong 10 năm vừa qua có sự tăng mạnh.
Một góc nhìn khác mà ông Lê Tạo, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Tạo Tín Phát đưa ra, đó là sau đợt dịch lần thứ tư, đất ven đô tuy không tăng trưởng mạnh nhưng vẫn có giao dịch ổn định.
“Giai đoạn này, đất ven đô, đất nền là kênh trú ẩn an toàn nên được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Đơn cử như khu vực Xuyên Mộc (Bà Rịa Vũng Tàu), Bảo Lộc (Lâm Đồng), Đồng Phú - Đồng Xoài (Bình Phước)... là những thị trường đang bắt đầu sôi động, có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến bất động sản. Với tín hiệu này, giai đoạn sắp tới sẽ giúp nhà đầu tư tìm được nơi trú ẩn an toàn khi đầu tư cho mình”, ông Tạo đánh giá.
Cũng theo ông Tạo, đầu tư bất động sản vùng ven giai đoạn này sẽ có cơ hội tăng giá lớn.
Ông Tạo đơn cử, như tại Bình Dương, giá đất đang rất thấp nhưng qua 2 năm vừa qua đến nay giá đất ở đây cũng đã lên trên 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng/m2. Sự phát triển hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp... đang được phát triển, nhu cầu nhà ở rất cao thì đây sẽ là những kênh nên đầu tư.
“Nếu có 1-2 tỷ đồng nên đầu tư vào khu vực vùng ven Long An, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước... Trong đó, Bình Phước, Bình Dương đang có sức hút mạnh mẽ”, ông Tạo gợi ý.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cho hay, giai đoạn này bất động sản sẽ có sự chuyển mình mạnh mẽ, nhưng đó cũng là cái “bẫy” nếu nhà đầu tư không có kinh nghiệm, không có trải nghiệm sẽ dễ gặp rủi ro.
Đơn cử, nếu bỏ một số tiền lớn đầu tư phân khúc nhiều tiền sẽ bị “gãy” dòng tiền, vì thế khi tham gia vào bất động sản giai đoạn này hãy cẩn thận với dòng tiền của mình, không nên vay vốn ngân hàng quá nhiều để đầu tư.
Nếu nhìn thấy cơ hội thì cần đảm bảo có nguồn vốn 70%, còn lại chỉ vay ngân hàng 30%. Pháp lý của dự án cũng vô cùng quan trọng khi quyết định đầu tư vào sản phẩm, dự án bất động sản mà nhà đầu tư cần chú ý.
“Hãy đầu tư cẩn thận, thận trọng, hãy tìm hiểu thị trường và cần có kiến thức khi tham gia vào thị trường bất động sản”, ông Tạo lưu ý.
Ông Tạ Trung Kiên, CEO Công ty CP Đầu tư Phát triển Wowhome nhấn mạnh: Nếu không cẩn trọng, vay quá nhiều để đầu tư sẽ là cái ‘bẫy’ nếu tình hình dịch vẫn kéo dài. Tốt nhất nên sử dụng tiền mặt sẵn có.
“Bất động sản vùng ven vẫn luôn là phân khúc được nhiều nhà đầu tư quan tâm do biên độ lợi nhuận khá hấp dẫn. Tuy nhiên, cần hạn chế ‘lướt sóng’ quá ngắn dưới một năm vì ‘lướt sóng’ quá ngắn đôi khi sẽ bị ‘sóng’ đè, không thoát ra được. Nếu có vốn, nên đầu tư lâu dài 3-5 năm sẽ mang lại lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư”, ông Kiên nói.
Minh Thư
Đầu tư bất động sản không thể ‘lướt sóng’, ‘thoát’ nhanh thời điểm này
Theo chuyên gia, nếu có tiền nhàn rỗi nên đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, đầu tư thời điểm này không nên xác định sẽ “thoát” nhanh được vì thị trường hiện gần như triệt tiêu vấn đề đầu tư “lướt sóng”...