“Ép” trái xoài ra tiền, từ đồ uống đến... mỹ phẩm xoài
Từ việc bị rớt giá, trái xoài Cam Ranh (Khánh Hòa) đã được trở về với đúng giá trị của nó khi tạo ra những sản phẩm như nước enzyme, paste enzyme, rong sụn enzyme xoài, mỹ phẩm xoài,…
“Ép” trái xoài ra tiền và Dự án Yêu thương Việt Nam. |
Nông sản Việt không phải để giải cứu
Điệp khúc được mùa rớt giá, hàng ngàn container hàng nông sản đang bị ùn ứ tại các cửa khẩu càng cho thấy đi sâu vào khâu chế biến, làm tăng giá trị gia tăng cho nông sản Việt trở nên quan trọng như thế nào với người nông dân và nền kinh tế.
Mô hình kinh tế tuần hoàn từ trái xoài Cam Ranh, thuộc dự án “Yêu thương Việt Nam” do chị Nguyễn Thu Hồng - Giám đốc Công ty Thực phẩm Cam Ranh (Carafoods), Chủ nhiệm CLB Cấy Nền Khánh Hòa – khởi xướng đang là một hướng đi hữu hiệu.
Vốn xuất thân là một người nghiên cứu khoa học công tác tại Viện Hải dương học Nha Trang (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), dự án “Yêu thương Việt Nam” do chị Nguyễn Thu Hồng khởi xướng xuất phát từ chính tình yêu với nông sản Việt, cùng quyết tâm nghiên cứu ra các sản phẩm mới, nhằm giúp nâng tầm cho nông sản.
Điều quan trọng nhất trong chiến lược này là tư duy chứ không phải là công cụ, nhóm nghiên cứu đã biến trái xoài thành những sản phẩm như nước enzyme, paste enzyme, rong sụn enzyme xoài, mỹ phẩm xoài,…(Enzyme là những chất quan trọng cho quá trình trao đổi chất của con người, đến từ quá trình lên men của trái cây và rau quả).
Bộ sản phẩm quà Tết gồm nước enzyme xoài và mứt rong sụn enzyme xoài từ Dự án Yêu thương Việt Nam. |
Điều bất ngờ là ngay cả hạt xoài và vỏ xoài, những thứ tưởng như bỏ đi cũng được “ép” ra tiền. Đó là mỹ phẩm, dược liệu từ hạt xoài vì hạt xoài có hàng nghìn tinh chất khác nhau; đó là dịch phân xoài từ vỏ xoài, để cung cấp bón cho cây trồng. Hiện công ty nghiên cứu tạo ra mỹ phẩm chăm sóc da từ hạt xoài và kết quả nghiên cứu đã có những tín hiệu khả quan.
Đặc điểm của trái xoài là chín rất nhanh và chín đồng loạt, nếu không tiêu thụ kịp sẽ có nguy cơ cả vườn trái xoài phải bỏ đi. Thực tế ngay như trái xoài thượng hạng của vùng xoài Cam Ranh cũng phải chịu cảnh rớt rụng đầy gốc vì không có người mua.
Năm 2020 – thời điểm bắt đầu thử nghiệm với trái xoài - chị Hồng và các cộng sự tại Carafoods đã giúp tiêu thụ 4 tấn xoài cho các hộ trồng xoài ở Cam Ranh. Năm 2021, dự án Yêu thương Việt Nam đã giúp bà con tiêu thụ gần 15 tấn xoài với giá thu mua từ 10.000 – 15.000 đồng/kg (cao hơn thị trường lúc giải cứu từ 3-4 lần). Ngoài ra, nhóm còn tiêu thụ hàng tấn dứa, mận, chuối cho bà con, mục đích đển nghiên cứu các sản phẩm từ trái cây.
Chị Nguyễn Thu Hồng bên người nông dân trồng xoài. |
Chị Hồng chia sẻ, khi rớt giá, trái xoài thượng hạng như xoài Cam Ranh chỉ còn 3.000 – 5.0000 đồng/kg. Nhưng nếu chế biến sâu, một chai enzyme xoài 350ml có thể được bán với giá 108.000 đồng, 1kg mứt rong sụn chứa enzyme xoài có thể bán với giá 350.000 đồng, trong khi 1 lít enzyme xoài cần 3kg xoài tươi và các thành phần khác (mận, dứa, gừng, tỏi,…). Như vậy, nếu biết vận dụng mô hình này sẽ làm gia tăng rất lớn cho giá trị của trái xoài.
Thậm chí, phương thức sản xuất này, có thể mua các loại xoài không đẹp mã để sản xuất, và đặc biệt là thu mua xoài kịp thời để không có bị chin quá rụng xuống đất. Nếu đầu tư bài bản để có mô hình chuẩn, ít nhất cũng có thể giải quyết bài toán trái xoài cho vùng Cam Lâm, Khánh Hòa.
Tạo sự thịnh vượng chung chứ không riêng doanh nghiệp nào
“Đi sâu vào làm nông sản mới thấy được sự vất vả, bấp bênh của người nông dân khi luôn phải đối mặt với bài toán được mùa mất giá. Tôi muốn nâng niu từng trái cây của Việt Nam. Chúng ta phải cảm ơn vũ trụ vì không có quốc gia nào giàu có về tài nguyên như trái cây, dược liệu, kể cả tình yêu thương của con người như ở Việt Nam.”, chị Nguyễn Thu Hồng chia sẻ.
Mô hình này hoàn toàn không có xả thải ra môi trường, đảm bảo cho sức khỏe của người tiêu dùng và chính những người nông dân. Như vậy, mô hình tuần hoàn này cho thấy không có gì là rác vì ngay cả rác cũng có thể được biến thành tiền.
Những sản phẩm làm từ trái xoài của nhóm. |
“Tôi muốn khẳng định rằng mỗi người Việt Nam phải yêu thương nông sản của Việt Nam. Cho nên phải làm cho nông sản của Việt Nam trở nên có thương hiệu. Nếu chỉ chăm chăm xuất khẩu thô thì chúng ta đang làm thuê trên chính mảnh đất của chúng ta mà thôi.”, chị Nguyễn Thu Hồng nói. “Chúng ta không nhất thiết phải xuất khẩu trái cây thô, không nhất thiết phải tạo ra sản lượng lớn, mà chúng ta có thể trồng ít nhưng chất lượng, tạo ra những giá trị mà thế giới đang cần. Dòng enzyme, mứt rong sụn, phân hữu cơ,… cũng có thể được đưa đi khắp thế giới vì nó không cần chất bảo quản”.
“Giúp cho người sản xuất vừa có thể làm việc vừa có dòng tiền dồi dào thì họ có thời gian để phát triển về mặt tinh thần. Nên nền sản xuất kinh tế tuần hoàn khi được ứng dụng sẽ tạo được sự thịnh vượng của nền kinh tế xã hội, chứ không phải chỉ cho riêng một doanh nghiệp nào cả. Với dự Án Yêu thương Việt Nam, tâm huyết của team cũng vậy, khi thành công sẽ tiếp tục mở rộng để chuyển giao cho những người trẻ tâm huyết muốn đổi thay”, chị Nguyễn Thu Hồng chia sẻ.
Tuân Nguyễn