SeABank lên sàn, gia đình madame Nga đang sở hữu thế nào?
Ngày 24/3 tới đây, hơn 1,2 tỷ cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) chính thức giao dịch trên sàn HOSE với mã chứng khoán SSB. Bà Nguyễn Thị Nga và người thân đang giữ ghế lãnh đạo hoặc không đang sở hữu thế nào?
Bà Nguyễn Thị Nga (SN 1955) - Chủ tịch HĐQT SeABank từ năm 2006 đến năm 2019. |
Ngày 24/3 tới đây, hơn 1,2 tỷ cổ phiếu (tương đương vốn điều lệ 12,087 nghìn tỷ) của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) sẽ chính thức giao dịch trên sàn HOSE với mã chứng khoán SSB, đưa ngân hàng này trở thành ngân hàng có quy mô vốn lớn thứ 13 niêm yết trên sàn chứng khoán.
Theo đó, giá tham chiếu là 16.800 đồng/cp và biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là ± 20% so với giá tham chiếu.
Tính đến ngày 9/11/2020, cơ cấu cổ đông của SeABank gồm: 1.447 cổ đông - trong đó có 27 cổ đông tổ chức trong nước nắm giữ 1.011.959.598 cổ phiếu, chiếm 83,72% và 1.420 cổ đông cá nhân trong nước nắm giữ 196.784.610 cổ phiếu, chiếm 16,28%.
Tính đến ngày 31/10/2020, SeABank có 2 công ty con là Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản SeABank và Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện.
Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của SeABank đạt gần 1.729 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2019 và hoàn thành 115% kế hoạch đặt ra. Tổng tài sản đạt 180.207 tỷ đồng, tăng 14,5% so với đầu năm. Tổng dư nợ thị trường 1 đạt 108.869 tỷ đồng, tăng 10,5%; Tổng huy động vốn trên thị trường 1 đạt 113.276 tỷ đồng tăng 18%.
Nhắc đến SeABank, người ta nhắc đến vai trò của bà Nguyễn Thị Nga (SN 1955), Phó Chủ tịch Thường trực của ngân hàng này. Bà Nga làm Chủ tịch HĐQT SeABank từ năm 2006 đến năm 2019, sau đó bà rút lui khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT để chuyển sang làm Phó Chủ tịch thường trực HĐQT bởi theo Luật Các TCTD mới, Chủ tịch HĐQT ngân hàng không được phép làm Chủ tịch hay TGĐ các doanh nghiệp khác. Trong khi đó, ai cũng biết ngoài vai trò Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, nữ doanh nhân này còn lãnh đạo một loạt các doanh nghiệp "sừng sỏ" khác.
Bên cạnh bà Nga tại SeABank luôn có bóng dáng của con gái, nữ doanh nhân Lê Thu Thủy (SN 1983), người luôn được coi là lãnh đạo sẽ kế nhiệm bà Nga tại "đế chế" SeABank và BRG.
Bà Lê Thu Thủy làm Ủy viên thường trực HĐQT SeABank từ năm 2009, khi mới 26 tuổi. Bà Thủy được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực SeABank vào tháng 1/2013 và được bổ nhiệm làm Phó TGĐ SeABank vào cuối năm đó. Đến tháng 5/2018, bà Lê Thu Thủy được bổ nhiệm vào ghế TGĐ SeABank, kiêm Phó Chủ tịch HĐQT.
Tại SeABank, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Nguyễn Thị Nga không trực tiếp sở hữu bất cứ cổ phần nào, nhưng bà sở hữu gián tiếp thông qua công ty do bà đứng tên, ngoài ra chồng và các con của bà cũng sở hữu một lượng lớn cổ phần tại ngân hàng.
Cụ thể, ông Lê Hữu Báu (chồng bà Nguyễn Thị Nga) sở hữu 50.301.731 cổ phần, tương ứng 4,161% vốn điều lệ của SeABank; ông Lê Tuấn Anh (con trai bà Nga) sở hữu 34.200.000 cổ phần (2,829%); bà Lê Thu Thủy (con gái bà Nga, đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ SeABank) sở hữu 35.033.557 cổ phần (2,898%); Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ (nơi bà Nga làm Chủ tịch HĐTV) sở hữu 79.354.069 cổ phần (6,565%).
Như vậy, tổng số cổ phần tại SeABank do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ và những người trong gia đình bà Nguyễn Thị Nga nắm giữ lên đến 198.889.357 cổ phần, tương đương 16,453% vốn điều lệ của ngân hàng này.
Nữ đại gia Nguyễn Thị Nga: Vùng biển lặng không có thuyền trưởng giỏi
Trong năm 2020 các doanh nghiệp đã chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, đây cũng là giai đoạn các doanh nghiệp thể hiện bản lĩnh vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất.
PV (tổng hợp)