Nhà hàng, quán xá ở Đà Nẵng rụt rè mở bán vì lo dịch bùng phát
Nhiều chủ cơ sở kinh doanh đồ ăn, thức uống ở Đà Nẵng vẫn lo ngại dịch bệnh nên đang thăm dò thị trường và chờ khách du lịch trở lại mới mở bán.
Bốn ngày qua, UBND TP Đà Nẵng đã nới lỏng giãn cách, cho hầu hết dịch vụ hoạt động trở lại. Các nhà hàng, quán ăn được phục vụ khách tại chỗ với 50% công suất.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Zing, hiện số lượng quán xá mở bán chưa nhiều. Số lượng người dân đến nhà hàng còn thưa thớt. Nhiều chủ kinh doanh cho biết so với đợt chưa có dịch, lượng khách đến nhà hàng mới đạt 15-20%.
Khách ngại đến quán vì sợ dịch
17h chiều 19/10, sau khi tan việc làm ở công sở, anh Hạnh (ngụ quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) chở vợ cùng 2 con nhỏ ra nhà hàng ở bãi biển Đà Nẵng để thưởng thức hải sản.
Người đàn ông này cho biết từ 4 hôm trước, chính quyền Đà Nẵng đã cho quán xá mở bán trở lại. "Tuy nhiên, đến hôm nay cả gia đình tôi mới ra quán vì vợ và con gái muốn có bữa tiệc nhân dịp Ngày phụ nữ Việt Nam", anh Hạnh tâm sự.
Đến quán từ rất sớm, gia đình anh Hạnh đặt bàn ở một khu riêng biệt để đảm bảo sự riêng tư và hạn chế tiếp xúc với người lạ. Vị thực khách này lý giải dịch Covid-19 vẫn chưa khống chế nên nguy cơ lây nhiễm còn tiềm ẩn.
"Khi chưa có dịch, mỗi tháng tôi đều dẫn vợ, con đi nhà hàng vài ba lần. Tuy nhiên, từ khi có dịch đến nay thì cả nhà không ra quán nữa vì lo ngại dịch bệnh", chị Hiền, vợ anh Hạnh nói thêm.
Tại các tuyến đường Nguyễn Văn Thoại, Hoàng Sa, Trường Sa... nhiều nhà hàng vẫn cửa đóng then cài. Theo lý giải của các chủ cơ sở kinh doanh, hiện Đà Nẵng vẫn chưa có khách du lịch nên kinh doanh ế ẩm.
Nhiều quán nhậu ở Đà Nẵng chưa mở bán vì sợ dịch bùng phát. Ảnh: Nguyên Vũ. |
Ông Hải, chủ nhà hàng ở quận Sơn Trà (Đà Nẵng) cho biết nếu mở bán thì phải thuê 30 nhân viên, 6 đầu bếp, quản lý với mức lương khoảng 10 triệu mỗi ngày.
"Cộng thêm tiền điện, nước và các chi phí khác thì mỗi ngày quán phải bỏ ra gần 15 triệu đồng. Nếu không có khách đến ăn thì lại rơi cảnh thua lỗ", ông Hải lo lắng.
Cùng tâm trạng, anh Hiền, chủ nhà hàng ở đường 2 Tháng 9 (quận Hải Châu, Đà Nẵng) nói anh cho nhân viên dọn dẹp quán xá, lau chùi bàn ghế rồi thăm dò thị trường mới mở bán trở lại.
Chủ quán này cho biết thêm khách hàng chủ yếu là khách du lịch. Tuy nhiên, thị trường du lịch ở Đà Nẵng đang "đóng băng" nên các nhà hàng rơi vào cảnh vắng lặng.
"Thành phố mới tạm thời kiểm soát chứ chưa khống chế dịch bệnh. Trong khi đó, Quảng Nam đang bùng phát dịch bệnh nên nguy cơ lây lan vẫn tiềm ẩn. Không may dịch bùng phát trở lại thì lại mất công và tốn kém", anh Hiền lý giải về việc nhà hàng của mình vẫn đóng.
Theo quan sát của Zing, chiều 19/10, nhiều nhà hàng, quán xá ở Đà Nẵng đã mở cửa đón khách đi theo nhóm gia đình dịp ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10). Theo quan sát, lượng khách đến thưởng thức các món ăn cũng không nhiều.
Những quán nhậu, nhà hàng có vị trí đẹp ở ven sông Hàn, bãi biển đông khách hơn nhưng cũng dưới 50% công suất. Chủ một nhà hàng ở đường Trần Hưng Đạo nói so với mọi năm, hiện khách đến thưởng thức đồ ăn, thức uống chỉ bằng 10%.
"Thành phố cho phép hoạt động tối đa 50% công suất nhưng ít quán đạt được lượng khách này. Du lịch chưa hoạt động, người dân vẫn còn rụt rè khi đến quán nên cảnh vắng vẻ là điều khó tránh", chủ quán ở đường Trần Hưng Đạo nói.
Nhiều chủ kinh doanh sang nhượng lại mặt bằng
Hai năm qua, ông Nhân (ngụ đường Nguyễn Sáng, quận Sơn Trà) đã 4 lần tạm đóng cửa quán để phòng chống dịch theo quy định của UBND TP Đà Nẵng.
Đến nay, ông Nhân không còn vốn để kinh doanh nên treo biển sang nhượng nhà hàng. "Khi mới kinh doanh quán tôi còn dư 1 tỷ. Hai năm qua, ảnh hưởng của dịnh nên việc kinh doanh thua lỗ nghiêm trọng. Với tình hình này, tôi sang nhượng lại quán để trả nợ cho khỏi lo lắng", ông Nhân tâm sự.
Nhiều nhà hàng, quán nhậu ở mặt tiền đường Phạm Văn Đồng, Hồ Nghinh, Chương Dương, Nguyễn Tất Thành cũng dán thông báo tìm chủ mới.
Các nhà hàng, quán nhậu ở Đà Nẵng vẫn còn ít khách. Ảnh: Nguyên Vũ. |
Theo tìm hiểu, trước đây một số người đã thuê mặt bằng để kinh doanh quán nhậu. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh nên họ đóng cửa lâu ngày và không còn khả năng tài chính nên trả mặt bằng lại cho chủ sở hữu.
"Quán này trước đây là một người ở Hà Nội kinh doanh. Từ khi dịch đến nay, quán đóng cửa. Hôm vừa rồi ông ấy gọi điện báo không thuê nữa nên tôi dán thông báo tìm người khác để cho thuê", anh Sơn, chủ mặt bằng ở đường Phạm Văn Đồng cho hay.
Người dân Đà Nẵng phấn khởi ăn sáng, uống cà phê khi hàng quán được mở cửa
Đêm qua và sáng nay, tại thành phố Đà Nẵng trời mưa to nhưng từ sáng sớm, nhiều quán ăn sáng, cà phê đã đông khách đến ăn uống.
Theo zingnews.vn