Thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP xã, phường: Còn tình trạng cả nể
Thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm thực hiện còn mang tính làng xóm. |
Đẩy mạnh đào tạo
Sáng 1/11, Sở Y tế Hà Nội, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội và báo Kinh tế đô thị đã tổ chức buổi tọa đàm “Triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại Hà Nội: Thuận lợi và thách thức”.
Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Phó chi cục trưởng, Chi Cục an toàn Thực phẩm Hà Nội cho biết ngay khi có Quyết định 47, Hà Nội đã đưa chương trình đào tạo, tập huấn - vốn là trọng tâm của việc triển khai chương trình. Theo quyết định, các cán bộ tham gia phải được cấp chứng chỉ thanh tra chuyên ngành. Do đó, Hà Nội phối hợp các cơ quan liên quan quy định theo Quyết định 47 để tổ chức các lớp đào tạo chứng chỉ.
Cho đến nay, khoảng 3.000 nhân lực của thành phố đã được cấp chứng chỉ - cung cấp một lực lượng nhất định đảm bảo các đoàn thanh tra từ cấp quận, huyện, thị xã đến xã, phường, thị trấn được trao kiến thức, kỹ năng về ATVSTP.
Thời gian tập huấn cũng có mức độ. Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội vẫn tiếp tục phối hợp đào tạo nâng cao cho cán bộ từ cả 3 ngành y tế, nông nghiệp, công thương.
Bên cạnh đó, Chi cục phối hợp với các cơ quan hữu quan đào tạo thêm 1.000 cán bộ được cấp chứng chỉ lấy mẫu.
Với lộ trình hiện nay, để triển khai tốt chương trình thanh tra, các cán bộ vẫn cần tiếp tục nâng cao kiến thức bởi văn bản pháp quy nhiều, quy trình phức tạp, cần kinh nghiệm và kiến thức sâu để áp dụng đúng vào xử phạt hành chính cũng như triển khai kế hoạch.
Thời gian tới, theo bà Nguyệt, các cấp sẽ phải tự nâng cao trình độ, mạnh dạn thanh tra. Trong năm 2020, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm dự kiến triển khai lớp tập huấn sâu hơn với 30 quận, huyện; tổ chức các cuộc giao ban sâu xuống tới các cấp để chia sẻ kinh nghiệm, giám sát, áp dụng biện pháp đẩy nhanh tiến độ thanh tra.
Tinh thần là trong các đợt thanh tra, quận, huyện cũng lập tổ giám sát, tiến hành giao ban sâu xuống tận xã phường.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được triển khai sâu hơn để các đối tượng nắm bắt trách nhiệm và phối hợp phát hiện, đảm bảo ATVSTP.
Nhìn chung, nhiệm vụ trong năm 2020 là tiếp tục đào tạo nâng cao. Lực lượng 3 sở ngành sau khi được cấp chứng chỉ sẽ đi sâu tới các quận, huyện. Bên cạnh đó, mỗi quận, huyện cũng đồng thời là một giảng viên để "cầm tay chỉ việc" tới xã, phường. 3 tổ kiểm tra giám sát cũng đều có kế hoạch đi xuống thực hiện thanh tra tại cơ sở.
Khó khăn về nhân lực
Cũng theo bà Nguyệt, hiện nay việc thanh tra an toàn thực phẩm từ cấp từ thành phố cho đến xã phường đều gặp khó khăn khi thanh tra và yêu cầu chấp hành, cũng như triển khai các hình thức xử phạt, bởi đối tượng thanh tra và yêu cầu chấp hành đều có ràng buộc.
Bà Nguyễn Thu Hà - Phó phòng kinh tế huyện Thanh Trì cho biết trong quá trình thanh tra ở tuyến cơ sở, đặc biệt là ở môi trường nông thôn, có nhiều khó khăn do cả nể tình làng nghĩa xóm. Quá trình thực hiện cần có tuyên truyền, giải thích và mất thời gian hơn so với bình thường.
Ông Nguyễn Khắc Vững - Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho rằng hiện nay, phường Mễ Trì có diện tích lớn, dân số đông nên điều này ảnh hưởng tới công tác thanh tra ATTP.
Trong khi đó, trên địa bàn phường chưa có chợ dân sinh, không có trung tâm thương mại do những yếu tố khách quan như công tác giải phòng mặt bằng…
Phường Mễ Trì có một chợ tạm duy nhất, còn lại là chợ cóc nhỏ lẻ và kinh doanh tại các hộ gia đình nên việc kiểm soát khó, không tập trung.
Ông Vững cho biết qua 3 tháng thanh tra, phường Mễ Trì thanh tra được 21 cơ sở, xử phạt 7 cơ sở với số tiền là 19 triệu đồng. Các cơ sở vi phạm nhiều lỗi lớn, đoàn thanh tra đã nghiêm túc thực hiện xử phạt theo đúng quy định. Tuy nhiên hiện nay công tác thanh tra còn khó khăn nhất định, trong đó, khó khăn nhất là về nhân lực. Các thanh tra viên vẫn phải kiêm nhiệm nhiều việc.