Thêm một bảo vệ chết vì bạo hành y tế, an ninh bệnh viện bao giờ mới hết thờ ơ?
Bảo vệ H. dù được các bác sĩ cố gắng cứu chữa nhưng vẫn không qua khỏi |
Bảo vệ dễ khiến bị tấn công
Trước đó, theo những người chứng kiến, ông Lô Minh H. 59 tuổi, quê Quỳ Hợp, Nghệ An đã bị bố của một bệnh nhi đang điều trị trong Bệnh viện Sản nhi Nghệ An đâm ngay trong khuôn viên của bệnh viện này.
Ông H. bị đâm nhiều nhát và được đưa vào cấp cứu, dù các y bác sĩ của bệnh viện đã hiến máu và hồng cầu để cấp cứu cho bệnh nhân nhưng vẫn không qua khỏi.
Vụ việc lại thêm một hồi chuông cảnh báo về an ninh trong bệnh viện, theo bác sĩ Nguyễn Đình Liên – Khoa Ngoai, Bệnh viện Đại Học y, chỉ trong vòng thời gian ngắn gần đây liên tiếp có các trường hợp bác sĩ, nhân viên y tế và đến nay là bảo vệ bệnh viện cũng bị người nhà bệnh nhân bạo hành mà chưa có biện pháp quyết liệt bảo vệ nhân viên y tế để họ có thể yên tâm làm việc.
Theo bác sĩ Liên, trường hợp bảo vệ bị bạo hành không phải là ít bởi thực tế người nhà bệnh nhân luôn có những “bức xúc” với nhân viên y tế, lại sẵn thêm việc bảo vệ bệnh viện là những người trực tiếp đi nhắc nhở người nhà bệnh nhân nhất là đến giờ làm thuốc thì người nhà bệnh nhân có tâm lý muốn ở trong phòng bệnh nhưng theo quy định bảo vệ lại đi nhắc nhở không cho họ ở trong.
Người nhà bệnh nhân cũng không biết rằng bảo vệ bệnh viện họ chỉ làm việc của họ đó là giữ gìn trật tự, nội quy của bệnh viện nên hay “cản trở” thân nhân, người nhà bệnh nhân muốn làm theo ý họ.
Bác sĩ Liên gặp nhiều trường hợp người nhà bệnh nhân họ chửi rằng họ đóng tiền vào viện thì họ thích làm gì thì làm, bảo vệ không được đuổi họ. Sẵn có những bức xúc đó và có thể dẫn đến mâu thuẫn nếu không có các biện pháp ứng xử khéo léo.
Một thực tế hiện nay đó là bảo vệ ở bệnh viện không phải ai cũng có chuyên môn về bảo vệ, đại đa số chưa có chuyên môn. Nhiều nơi thì bảo vệ bệnh viện trẻ quá, nhiều nơi bảo vệ bệnh viện lại già quá cũng không tốt.
Bao giờ mới hết thờ ơ?
TS Võ Xuân Sơn cho rằng, nhân viên y tế thường xuyên bị bạo hành, đánh đập bởi vì những quy định về luật pháp và y đức tước bỏ khả năng phản kháng của họ.
Thực tế, bạo hành y tế đang ngày càng gia tăng, mức độ ngày càng tàn bạo, tính chất ngày càng man rợ và manh động, với cách hành xử đầy bạo lực của không ít người nhà, thân nhân của người bệnh như hiện nay. TS Sơn cho rằng hiện nay cơ quan chức năng đều tỏ ra thờ ơ với nạn bạo hành y tế.
Cái chết của bác sĩ Phạm Đức Giàu, cùng thương tật mà bác sĩ Ngô Duy Hoàn ở Vũ Thư, Thái Bình phải gánh chịu đã trở nên vô nghĩa khi nó không có tác dụng cảnh báo cho hệ thống chính quyền, cơ quan chức năng.
Trước hàng loạt sự cố bạo hành nhân viên y tế, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Bộ Công an hỗ trợ. Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các đơn vị công an địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, điều tra xác minh làm rõ các hành vi và đối tượng gây bạo hành trong bệnh viện đối với các vụ việc nêu trên, truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có phạm tội), xử lý nghiêm minh các đối tượng hành hung người bệnh và nhân viên y tế, công khai kết luận điều tra, xét xử để công luận, người dân biết, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa.
Bộ Y tế cũng mong muốn ngành công an cắt cử cán bộ tuần tra, bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện lớn, có lượng người đến đông; tăng cường đảm bảo an ninh trật tự khu vực xung quanh bệnh viện như các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phục vụ người dân khi đến khám chữa bệnh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước các cổng bệnh viện.
Hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn trang bị các thiết bị kỹ thuật bảo đảm an ninh, bảo vệ tại bệnh viện; phối hợp tập huấn, nâng cao trình độ bảo vệ, phản ứng nhanh với các tình huống gây rối, đánh nhau, hành hung tại các bệnh viện và cơ sở y tế. Xây dựng và thử nghiệm, triển khai mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về an ninh trật tự tại các bệnh viện.