Thêm học sinh tử vong khi học online: Đừng lơ là các biện pháp bảo vệ con!
Vụ học sinh lớp 5 ở huyện Nam Đàn (Nghệ An) tử vong vì điện thoại phát nổ khi học online đã khiến nhiều bậc phụ huynh bàng hoàng, lo lắng trước các rủi ro tiềm ẩn.
Sáng 15/10, thông tin từ UBND xã Nam Anh (huyện Nam Đàn, Nghệ An) xác nhận, trong quá trình học trực tuyến, một học sinh trên địa bàn không may tử vong do chiếc điện thoại phát nổ.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 16h ngày 14/10, em N.V.Q. (SN 2011, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Nam Anh) dùng điện thoại cắm sạc dự phòng để học trực tuyến. Quá trình học, chiếc điện thoại bất ngờ phát nổ khiến em Q. bị bỏng nặng.
Phát hiện sự việc, gia đình nhanh chóng đưa em đến bệnh viện cấp cứu nhưng nạn nhân đã không qua khỏi.
Được biết, 3 tuần gần đây học sinh trên địa bàn huyện Nam Đàn đã đến trường học trực tiếp. Tuy nhiên, các trường duy trì học trực tuyến 1 buổi trong tuần để sẵn sàng chuyển trạng thái cần thiết khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Tháng trước, một học sinh 10 tuổi ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) sử dụng máy tính học trực tuyến cũng bị điện giật tử vong.
Các sự việc thương tâm này khiến nhiều bậc phụ huynh giật mình trước những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra với con em mình trong quá trình học trực tuyến.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội), hơn ai hết chính phụ huynh phải nhận ra nguy cơ thiếu an toàn trong thời gian trẻ học trực tuyến và có các giải pháp bảo vệ con mình.
“Học sinh tiểu học là lứa tuổi rất đặc thù nên luôn cần có người để mắt đến trẻ. Bởi lẽ, ở lứa tuổi này, nhiều trẻ không kiểm soát được hành vi.
Khi các con học trực tuyến bố mẹ phải có các giải pháp để hỗ trợ những vấn đề trẻ đang gặp phải trong lúc học. Cụ thể như trang bị cho con kỹ năng như an toàn không gian mạng, cách xử lý khi bị kích ra khỏi lớp học online, máy tính hay điện thoại hết pin cần xử lý thế nào....
Bố mẹ phải đảm bảo tạo ra không gian học tập an toàn, thoải mái bằng cách hướng dẫn và đảm bảo cho con các nguyên tắc an toàn về thể chất”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Người lớn phải trang bị các kỹ năng giúp trẻ an toàn trong thời gian học trực tuyến (ảnh minh họa) |
Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, thông qua các hoạt động ở nhà bố mẹ cũng nên củng cố kiến thức đã học ở trường và thực hành liên quan kỹ năng an toàn về phòng cháy chữa cháy, phòng tránh tai nạn thương tích, tích hợp hoạt động trải nghiệm.
Đặc biệt, không nên để trẻ ở nhà một mình quá lâu. Đối với bậc tiểu học, thiếu sự đồng hành của phụ huynh thì trẻ học khó có hiệu quả.
Trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường vì dịch bệnh, việc phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ cần có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ từ phía nhà trường và cha mẹ học sinh, đặc biệt là sự đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên từ giáo viên chủ nhiệm, hướng dẫn cha mẹ học sinh, học sinh các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích có thể xảy ra như điện giật, đuối nước, cháy nổ.
Về phía Bộ GD&ĐT, đơn vị này cho biết đã có khuyến cáo các bậc phụ huynh và thầy cô giáo về tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nhắc nhở, dạy cho các em một số kỹ năng cơ bản, đặc biệt là hướng dẫn và hỗ trợ học sinh tiểu học trong quá trình sử dụng các thiết bị học tập cũng như thiết bị trong gia đình, đảm bảo an toàn.
Sau vụ nam sinh bị điện giật tử vong khi học online một mình, nhiều cha mẹ 'bừng tỉnh'
Sự việc một học sinh trường Tiểu học Thái Thịnh (Hà Nội) bị điện giật tử vong khi ở nhà một mình học trực tuyến đã khiến nhiều bậc phụ huynh sốc và lo lắng trước các rủi ro tiềm ẩn.
Hoàng Thanh