The Telegraph: Bà Merkel đẩy nền kinh tế châu Âu vào hỗn loạn
Nhận định trên do nhà bình luận Matteo Flinn viết trên tạp chí The Telegraph. Theo đó, kết quả các cuộc bầu cử vào nghị viện 3 bang của Đức ngày 13/3 vừa qua đã trở thành thất bại của Thủ tướng Đức A.Merkel và ngày bà rời vương vị sẽ không còn xa.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. |
“Rất nhiều chuyên gia và báo chí sẽ viết rằng thất bại đó thật nặng nề. Trên thực tế, bà Merkel đã đẩy nền kinh tế vào hỗn loạn. Cho dù bà Merkel được ngợi ca là chính trị gia thành công nhưng điều đó là vô nghĩa”- Flinn nhận định.
Theo Flinn, dưới thời bà Merkel, khả năng cạnh tranh của Đức đã suy giảm đáng kể. Bà Merkel là tác nhân khiến cuộc khủng hoảng ở khu vực Eurozone tiếp tục tiến triển nặng nề hơn.
Ngoài ra, bà Merkel còn để Anh đang ngày càng trở nên xa rời EU hơn. Chính sách “cửa mở” của bà Merkel khiến người nhập cư ồ ạt tràn vào Đức và trở thành gánh nặng kinh tế đối với quốc gia này.
Tuy nhiên, điều đáng ngại nhất, theo Flinn, không phải là cuộc khủng hoảng nhập cư mà là việc bà Merkel đã không có động thái gì để giải quyết cuộc khủng hoảng ở khu vực Eurozone.
Cuộc khủng hoảng này khiến hệ thống tiền tệ trong Eurozone rơi vào trạng thái tồi tệ nhất kể từ khi được thiết lập. Một trong những phương án có thể nhất để giải quyết tình trạng này là các quốc gia châu Âu sẽ quay trở lại sử dụng đồng tiền nội tệ.
“Bà Merkel đã làm những gì? Chẳng gì cả. Bà ấy không đưa ra quyết định gì mà chỉ hy vọng tình hình sẽ tốt hơn”- Flinn bình luận.
Flinn cũng cho rằng chính sách đối với người nhập cư của bà Merkel là “sai lầm chiến lược trầm trọng”. Chỉ tính trong năm 2015 đã có đến gần 1 triệu người nhập cư tràn vào Đức và gây nên những hệ lụy nghiêm trọng, nhất là “đêm giao thừa nhục nhã” ở Cologne.
Người Đức vốn cởi mở, ban đầu đón tiếp người nhập cư nhiệt tình nhưng cũng phải thay đổi thái độ của mình đối với người nhập cư. Đối với Anh, tính trong vòng 10 năm qua, Anh cũng đã phải “đón nhận” gần 700 nghìn người nhập cư và điều này đã có những ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế Anh.
Theo tính toán của Flinn, Đức sẽ mất nhiều năm nữa để tái định hướng nền kinh tế sang lĩnh vực dịch vụ và đảm bảo công việc cho những người nhập cư tiếp tục tìm đến Đức.
“Nếu như bà Merkel có một kế hoạch nào đó có vấn đề này thì bà ấy sẽ ưu tiên “giữ bí mật” cho kế hoạch của mình”- Flinn mỉa mai.
Matteo Flinn cũng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ khả năng điều hành đất nước của Thủ tướng Đức Merkel khi đưa bà Merkel ra so sánh với Thủ tướng đã rất thành công của Đức trong giai đoạn 1949-1963 là Konrad Adenauer.
Theo Flinn, Đức thường được điều hành bởi các chính trị gia lỗi lạc và Konrad Adenauer được coi là chính trị gia thuộc lớp chính trị gia tài năng nhất châu Âu. Tuy nhiên, bà Merkel lại khiến Đức không thể tiếp tục hưởng “xu thế” này.
“Có rất ít cơ hội để hy vọng rằng sau khi bà Merkel “biến mất” khỏi vũ đài chính trị, nước Đức lại xuất hiện một chính trị gia có đủ sự quyết đoán và tầm nhìn xa để giải quyết các vấn đề của châu lục.
Người kế nhiệm bà Merkel, cho dù là ai, cũng khó có thể kém cỏi hơn bà Merkel. Sau khi bà Merkel ra đi thì nền kinh tế của châu Âu sẽ được cải thiện đáng kể”- Flinn kết luận.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ RIA Novosti, một trong những hãng tin lớn nhất tại Nga, đặt trụ sở chính tại Moscow và hơn 80 văn phòng trên khắp thế giới.