Vì sao phong tỏa triền miên, người dân Trung Quốc vẫn 'ùn ùn' đi du lịch?
Những bất tiện vì phong tỏa triền miên và xét nghiệm đại trà vẫn không thể "khóa chân" người dân Trung Quốc đi du lịch trong mùa hè năm nay.
Một số địa điểm du lịch nổi tiếng nhất có đông du khách Trung Quốc lui tới đang ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng trở lại.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), các nhà quan sát trong ngành du lịch nhận định du khách dường như không còn bận tâm tới những quy định phòng bệnh khắt khe. Bởi tâm lý háo hức được đi chơi và nghỉ dưỡng đang vượt qua cả những bất tiện mà người dân phải đối mặt từ chính sách “zero Covid-19” liên quan tới hoạt động phong tỏa diện rộng và xét nghiệm đại trà vốn được chính phủ Trung Quốc thi hành kể từ khi dịch bệnh xuất hiện.
Người dân thành phố Lhasa, thủ phủ của khu tự trị Tây Tạng xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. (Ảnh: VCG) |
Tuy nhiên, không thể phủ nhận kế hoạch du lịch của nhiều người dân Trung Quốc vẫn bị ảnh hưởng, khiến hoạt động chi tiêu bị cắt giảm tại một số địa phương làm du lịch và nói rộng hơn là tác động tới toàn bộ nền kinh tế ở đất nước tỷ dân.
Tính tới ngày 10/8, Hải Nam, hòn đảo được mệnh danh là “Hawaii ở Trung Quốc” với nhiều bãi biển đẹp và khu nghỉ dưỡng cao cấp, báo cáo phát hiện 1.602 ca mắc Covid-19 phát triệu chứng và 852 trường hợp không phát triệu chứng. Ngay lập tức, chính quyền địa phương đã cho áp đặt lệnh phong tỏa tại 11 thành phố, và đa số các chuyến bay thương mại cũng bị hủy bỏ. Hậu quả, khoảng 178.000 khách du lịch bị mắc kẹt trên đảo.
Tính tới ngày 9/8, Tân Cương, một địa điểm du lịch được nhiều người dân Trung Quốc yêu thích ghé thăm trong mùa hè, cũng ghi nhận con số kỷ lục 536 ca Covid-19 không phát triệu chứng trong tháng Tám.
Hay như Tây Tạng báo cáo có 11 ca phát triệu chứng và 43 trường hợp mắc Covid-19 không triệu chứng tính tới ngày 10/8. Đây là con số kỷ lục về số ca mắc Covid-19 được phát hiện ở Tây Tạng kể từ năm 2020. Phản ứng trước tình hình dịch bệnh, khu vực Himalayan đã cho phong tỏa thành phố Shigatse, địa điểm du lịch nằm giáp biên giới Nepal, Ấn Độ và Bhutan, đồng thời phong tỏa 3 ngày thị trấn Ngari.
Song theo ông Song Haiyan tại Trường Quản trị Khách sạn và Du lịch thuộc Đại học Công nghệ Hong Kong, việc phong tỏa và phát hiện các ca mắc Covid-19 trong quy mô khu vực dường như không làm trì trệ tốc độ phục hồi của ngành du lịch Trung Quốc.
“Ngành công nghiệp du lịch vẫn đang tăng trưởng nhất là khi tác động của biến chủng Omicron đối với sức khỏe con người là nhẹ hơn rất nhiều so với những biến chủng trước đây. Do đó, người dân có thể đang dần dần thích nghi”, ông Song nói.
Cô Gong Liuliu (32 tuổi) làm việc trong ngành điện ảnh và đang là một trong số những người bị mắc kẹt ở thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam vì lệnh phong tỏa chia sẻ, cô đang cố để bản thân không cảm thấy buồn phiền do dịch bệnh tái bùng phát.
“Lệnh phong tỏa sẽ không làm ảnh hưởng tới kế hoạch du lịch của tôi. Tôi đã quen với chuyện này, và tôi sẽ vẫn đi du lịch”, cô Gong nói.
Anh Cyrus Wang, một nghiên cứu sinh tại Đại học Hong Kong, cũng đã có mặt tại thành phố Đại Lý thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vào ngày 7/8 giữa lúc nhiều ca bệnh Covid-19 được phát bệnh tại một vài địa điểm du lịch. Tuy nhiên, chàng sinh viên (24 tuổi) khẳng định, “Tôi không thấy có bất cứ dấu hiệu nào về việc các biện pháp phòng dịch được tăng cường” ở tỉnh Vân Nam nhiều hơn so với các thành phố có đường biên giới giáp với những quốc gia khác.
Phần lớn những thành phố nằm trong nhóm nguy cơ thấp bùng phát dịch Covid-19 đã quay trở lại nhịp sống bình thường, kể từ khi chính quyền Bắc Kinh nới lỏng các giới hạn đi lại trong vài tháng gần đây.
Hồi cuối tháng Năm, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã ban hành một số chỉ thị mới cho phép nối lại hoạt động đi lại xuyên các tỉnh nằm trong vùng nguy cơ thấp, đồng thời cấm ban bố các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 “quá mức” gây ảnh hưởng xấu tới ngành du lịch quốc gia.
Tới tháng Sáu, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cảnh báo ngăn chặn thi hành lệnh phong tỏa mở rộng, hoặc thực hiện các biện pháp cách ly ở những khu vực thuộc nhóm nguy cơ thấp. Ngoài ra, chính quyền các khu vực cũng được khuyên không nên vô lý kéo dài thời gian phong tỏa ở những vùng thuộc nhóm nguy cơ cao.
Chính sách trên đã nhanh chóng giúp ngành du lịch Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng trở lại. Theo số liệu chính thức, ngành du lịch ghi nhận sự thay đổi tích cực sau 2 chỉ thị của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc và Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc. Theo đó, so với tháng Sáu, số lượng khách du lịch ở Trung Quốc đã tăng 62,2% trong tháng Bảy.
“Xóa bỏ các quy định hạn chế đi lại đã thúc đẩy sự bùng nổ du lịch mùa hè”, ông Flora Zhou tại cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings nhấn mạnh tác động đối với ngành du lịch được cho là ở mức nhẹ, bởi chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đang cố tránh ban bố phong tỏa dựa theo những quy định mới.
Ngoài ra, người dân Trung Quốc cũng lựa chọn đi du lịch ở các khu vực gần nhà để tránh nguy cơ bị mắc kẹt vì lệnh phong tỏa ở những tỉnh thành khác. Điển hình, anh Jason Yang (23 tuổi), một giáo viên tại tỉnh Cát Lâm, đã chia sẻ trên WeChat trong tuần này rằng để thuận tiện đi lại, anh đã chọn du lịch tới dãy núi Trường Bạch và châu tự trị dân tộc Triều Tiên Diên Biên.
“Tôi thích tới đảo Hải Nam nhưng do tình hình dịch bệnh, an toàn hơn vẫn là đi tới các địa điểm nằm trong tỉnh Cát Lâm”, anh Yang chia sẻ.
Nhóm du khách đầu tiên từng bị mắc kẹt tại thành phố Tam Á do lệnh phong tỏa rời khỏi đảo Hải Nam. (Ảnh: CFP) |
Một chuyên gia giấu tên làm việc với công ty lữ hành Qunar cũng cho hay, “Dịch bệnh hiện tác động rất ít tới ngành du lịch nói chung, bởi tỷ lệ thực hiện các chuyến đi ngắn ngày đang rất cao”.
Trong khi đó, theo ông Tao Zhou, một quan chức tại công ty dịch vụ bất động sản toàn cầu Jones Lang LaSalle, sức nóng của du lịch mùa hè sẽ bắt đầu giảm xuống vào giữa tháng Tám đối với những gia đình có con nhỏ. Bởi đây là lúc phần lớn trường học yêu cầu học sinh không rời khỏi nơi sinh sống trong vài tuần trước khi bước vào năm học mới để hạn chế nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.
Còn ông Song thừa nhận những bất ổn vẫn rình rập ngành du lịch Trung Quốc sau giai đoạn khởi sắc mùa hè, bởi chính sách “không ca nhiễm Covid-19” vẫn đang được thi hành.
TQ: Trường học đánh giá học sinh qua giấy chứng nhận tiêm phòng của người nhà
Một số trường bị phát hiện đưa giấy chứng nhận tiêm phòng vắc xin Covid-19 của người già trong nhà vào quá trình đánh giá năng lực của học sinh.
Cơ hội xin việc đầy mong manh của người từng mắc Covid-19 ở Trung Quốc
Với những người từng mắc Covid-19 ở Trung Quốc, cơ hội xin việc làm hiện vô cùng mong manh do họ bị phân biệt đối xử và kỳ thị.
Minh Thu (lược dịch)