Vắc-xin Covid-19 Sputnik V và Moderna hiệu quả chống lại biến chủng Delta
Nghiên cứu cho thấy vắc-xin Covid-19 Sputnik V của Nga và Moderna của Mỹ đều có hiệu quả chống lại biến chủng có tốc độ lây lan nhanh như Delta.
Hôm 29/6, 2 hãng sản xuất vắc-xin Covid-19 Sputnik V và Moderna tuyên bố vắc-xin của họ có khả năng tạo ra kháng thể chống lại nhiều biến chủng virus corona có khả năng lây lan nhanh bao gồm biến chủng Delta.
Theo RIA Novosti, Tiến sĩ Deanis Logunov, Phó Giám đốc Viện Gamaleya, cho hay vắc-xin Sputnik V có hiệu quả chống lại 2 biến chủng mới là Delta và Delta Plus lên tới 90%. Viện Gamaleya chính là nơi phát triển vắc-xin Covid-19 Sputnik V.
Vắc-xin Covid-19 Sputnik V của Nga có khả năng chống lại 2 biến chủng mới là Delta và Delta Plus tới 90%. (Ảnh: Business Standard) |
Trước đây, các nhà nghiên cứu tuyên bố vắc-xin Sputnik V có khả năng ngăn chặn hiệu quả chủng virus corona ban đầu lên tới 92%.
Ông Logunov nhấn mạnh khả năng phòng bệnh hiệu quả của vắc-xin Sputnik V đối với biến chủng Delta được tính toán dựa trên thông tin từ các dữ liệu y khoa điện tử và dữ liệu tiêm vắc-xin.
Đại diện Viện Gamaleya cho biết, “chỉ số này thấp hơn đôi chút so với hiệu quả chống chủng virus corona ban đầu. Song nó đã đủ để chống lại virus corona đột biến”.
Chính phủ Nga cho hay số lượng ca mới mắc Covid-19 tăng nhanh ở nước này thời gian gần đây liên quan tới biến chủng Delta. Cụ thể, biến chủng Delta xuất hiện trong 90% số ca mới mắc Covid-19 là ở Nga. Nguyên nhân khác khiến Nga trải qua đợt bùng phát số người mới mắc Covid-19 là do nhiều người còn thờ ơ với hoạt động tiêm phòng.
Tiến sĩ Alexander Gintsburg, Giám đốc Viện Gamaleya, nhấn mạnh nhiều nước trên thế giới cũng đang báo động trước tốc độ lây lan nhanh của biến chủng Delta.
Nga, quốc gia có khoảng 144 triệu dân, đã phê chuẩn sử dụng 4 loại vắc-xin do chính nước này sản xuất. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Nga ghi nhận khoảng 5,5 triệu trường hợp mắc bệnh.
Cũng trong ngày 29/6, nhà sản xuất dược phẩm Moderna của Mỹ cho hay vắc-xin Covid-19 do hãng bào chế giúp tạo ra kháng thể chống lại biến chủng Delta đang lây lan nhanh ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.
Theo đó, các nhà nghiên cứu của Moderna đã làm xét nghiệm mẫu máu của 8 người và được lấy sau 1 tuần họ tiêm liều vắc-xin thứ 2. Kết quả cho thấy, vắc-xin Covid-19 Moderna đã tạo ra kháng thể đối với tất cả biến chủng virus corona được thử nghiệm bao gồm biến chủng Delta xuất hiện lần đầu tại Ấn Độ.
Cụ thể, vắc-xin Moderna đã tạo ra kháng thể chống lại tất cả các biến chủng bao gồm 3 dòng của biến chủng Beta lần đầu xuất hiện ở Nam Phi, cùng 3 biến chủng xuất hiện ở Ấn Độ gồm Kappa và Delta.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho hay vắc-xin Covid-19 Moderna đã tạo ra kích thích kháng thể trung hòa ít hơn với một số biến chủng mới như Delta, Kappa và Gamma.
“Dữ liệu nghiên cứu mới đủ khuyến khích và củng cố niềm tin rằng vắc-xin Covid-19 Moderna có khả năng chống lại các biến chủng mới được phát hiện”, Giám đốc điều hành Moderna, ông Stephane Bancel khẳng định.
Vào ngày 29/6, Ấn Độ đã cho phép hãng dược Cipla nhập khẩu vắc-xin Covid-19 Moderna để sử dụng trong nước nhưng có giới hạn.
Biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ và đang hoành hành ở Pháp và Đức. Do đó, hai quốc gia này đang khuyến khích người dân đẩy nhanh hoạt động tiêm phòng. Biến chủng Delta cũng đang khiến số lượng người mới mắc Covid-19 tăng nhanh trở lại ở tỉnh kinh tế trọng điểm của Nam Phi là Gauteng.
Sự xuất hiện của biến chủng Delta đang khiến gần 1/2 dân số Australia sống trong cảnh bị phong tỏa để ngăn chặn số ca mới mắc Covia-19 tăng cao.
Tiêm lẫn vắc-xin Covid-19 AstraZeneca và Pfizer có hiệu quả?
Trình tự tiêm lẫn 2 loại vắc-xin của hãng AstraZeneca và Pfizer ảnh hưởng tới khả năng tạo phản ứng miễn dịch của cơ thể con người.
Minh Thu (lược dịch)