Tỷ phú Nga cảnh báo hậu quả của việc thanh toán bằng đồng ruble
Chủ tịch Hội đồng quản trị và là cổ đông chính của Tập đoàn khai thác và luyện kim Norilsk Nickel (NLMK), ông Vladimir Lisin mới đây đã cảnh báo chính quyền Nga về hậu quả của việc thanh toán bằng đồng ruble.
Tỷ phú này cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo kinh tế thương mại Kommersant (Nga), việc mở rộng danh sách hàng hóa xuất khẩu thanh toán bằng đồng ruble có thể khiến Nga bị loại khỏi thị trường quốc tế .
Vào cuối tháng 3, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Vyacheslav Volodin đã đưa ra một sáng kiến, theo ý kiến của ông, trước các lệnh trừng phạt phương Tây, Nga có thể bắt đầu bán không chỉ khí đốt, mà còn các hàng hóa khác với giá đồng ruble, ví dụ như than, gỗ, dầu, kim loại, ngũ cốc, phân bón…. Tỷ phú Lisin tin rằng, kết hợp với cuộc khủng hoảng trong chuỗi cung ứng, việc chuyển đổi sang thanh toán bằng đồng ruble sẽ khiến tình hình kinh tế Nga trở nên tồi tệ hơn đáng kể.
Ông Vladimir Lisin, Chủ tịch Hội đồng quản trị và là cổ đông chính của Tập đoàn khai thác và luyện kim Norilsk Nickel (NLMK). (Ảnh: RIA) |
“Tôi không biết, có thể cái gì đó sẽ hoạt động với khí đốt? Nhưng phần còn lại, chúng tôi đã chiến đấu trong nhiều thập kỷ cho các thị trường xuất khẩu.
Việc xây dựng mối quan hệ với hàng nghìn khách hàng tại 70 quốc gia, thật khó để tưởng tượng điều gì có thể thuyết phục người mua chuyển sang thanh toán bằng đồng ruble và chịu rủi ro tiền tệ.
Các vấn đề hậu cần vốn đã phức tạp trong việc vận chuyển sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Việc chuyển đổi sang thanh toán bằng đồng ruble sẽ đơn giản đưa chúng ta ra khỏi thị trường quốc tế”, người đứng đầu NLMK giải thích về lập trường của mình.
Theo ông Lisin, các nhà chức trách ngày nay đưa ra nhiều quyết định quá vội vàng, mà không phân tích đầy đủ hậu quả.
Doanh nhân này tin rằng “tốc độ sẽ nhường chỗ cho sự chính xác”, vì các biện pháp trừng phạt được thực hiện có thể giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp trong nước, vốn sử dụng hàng triệu người.
Đồng thời, ông Lisin cũng hoan nghênh một phần các quyết định của chính phủ - đặc biệt là các biện pháp hỗ trợ kinh doanh (lệnh cấm thanh tra, các khoản thế chấp ưu đãi kích thích xây dựng và các biện pháp khác). Doanh nhân Nga cho biết, trong điều kiện hiện nay, các cơ quan chức năng cần nới lỏng kiểm soát và cho phép doanh nghiệp tự thích ứng.
Trước đó, bình luận về sáng kiến của Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, ông Vyacheslav Volodin, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng đây là “một ý tưởng nên được cân nhắc”.
Ông Peskov cho biết, vai trò là đồng tiền dự trữ toàn cầu của đồng USD đã bị ảnh hưởng và việc định giá các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nga bằng đồng ruble là vì lợi ích của nước Nga và của các đối tác.
Hôm 23/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu các quốc gia không thân thiện, vốn đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moscow, phải trả tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble.
Tổng thống Putin đã ủy quyền các quan chức chính phủ, Ngân hàng Trung ương Nga và ngân hàng Gazprombank thực hiện các bước cần thiết để chuyển tất cả các khoản thanh toán khí đốt tự nhiên của Nga từ các quốc gia không thân thiện sang đồng ruble bắt đầu từ ngày 31/3.
Ông Putin nhấn mạnh, nếu các khoản thanh toán như vậy không được thực hiện, Nga sẽ coi đây là việc không hoàn thành nghĩa vụ từ phía người mua, với tất cả các hậu quả sau đó.
“Không ai bán miễn phí cho chúng tôi bất cứ thứ gì, và chúng tôi cũng sẽ không làm từ thiện. Có nghĩa là các hợp đồng hiện tại sẽ bị dừng lại”, Tổng thống Nga khẳng định.
Thanh Bình (lược dịch)
Pháp ‘lách luật’ thanh toán khí đốt của Nga mà không sử dụng đồng ruble
Các nước châu Âu lo ngại rằng sau khi Nga chuyển giao thương mại khí đốt sang đồng ruble, dòng chảy của các nguồn năng lượng có thể bị gián đoạn.
Quốc gia đầu tiên ở châu Âu trả tiền khí đốt cho Nga bằng đồng ruble
Theo các phương tiện truyền thông, Ngân hàng Vatican đã thanh toán mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble.