Phương Tây và trò chơi “con dao hai lưỡi” với Nga
Thế nhưng, liệu những bước đi đó có giúp phương Tây trấn áp được “chú gấu” Nga đang muốn vùng dậy hay lại trở thành “con dao hai lưỡi” đối với một EU già cỗi và một Mỹ đang mất dần vị thế?
Tận dụng yếu tố địa chính trị
Trong Hội nghị ngoại trưởng được tổ chức ngày 2/12, NATO đã tuyết định mời Montenegro gia nhập và trở thành thành viên thứ 29 của khối này. Tổng Thư ký Jens Stoltenberg hy vọng các cuộc đàm phán giữa NATO với Montenegro về việc kết nạp nước này sẽ hoàn thành vào đầu năm 2016.
Theo Jens Stoltenberg, chính sách mở cửa của NATO sẽ thúc đẩy hòa bình và an ninh, sự ổn định trong khu vực. Quyết định mời Montenegro tham gia khối liên minh quân sự này không nhằm chống lại bất cứ quốc gia nào, trong đó có Nga.
Không chỉ có Montenegro, NATO còn nhăm nhe “ôm trọn Balkan”, bằng cách mời các nước khác là Bosnia&Herzegovina, Macedonia và Gruzia gia nhập nhóm.
Bản đồ các thành viên NATO ở châu Âu, màu xanh là các thành viên chính thức còn màu cam là các thành viên tiềm năng sẽ gia nhập trong tương lai. Nguồn: Static-economist |
Theo giới chuyên gia, lời nói “không nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào” như NATO tuyên bố thực chất không chỉ đơn giản và “trong sáng” như vậy. Các nhà phân tích cho rằng, không phải bỗng dưng NATO đẩy nhanh tiến trình kết nạp thêm các thành viên khu vực Balkan vào khối sau khi Nga tuyên bố triển khai tổ hợp tên lửa S-400 tới Syria.
Với tình hình thực tế như trên, các chuyên gia nhận định rằng một lý do đằng sau việc Mỹ và NATO kết nạp các nước Balkan là để có cớ đặt các tên lửa đánh chặn ra xa tầm bắn của S-400. Có thể coi đây là chiến lược lùi hàng phòng thủ về một bước lại có thể củng cố thêm “vây cánh” với suy nghĩ “kẻ mạnh là kẻ đông”.
Tìm cách đánh vào kinh tế
Nếu như việc kết nạp các thành viên cũ của Liên Xô vào NATO hay EU còn mất nhiều thời gian và chưa thể tạo ra “sóng gió” lớn đối với nước Nga thì những biện pháp trừng phạt kinh tế lại có tác dụng ngay tức thì.
Mỹ và EU quyết tâm kéo dài lệnh trừng phạt đối với kinh tế Nga. Nguồn: CNN |
Theo báo Tấm gương của Đức ngày 2/12, các nhà lãnh đạo EU sẽ gia hạn biện pháp trừng phạt Nga thêm 6 tháng khi cho rằng Thỏa thuận hòa bình Minsk nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine chưa được thực thi một cách toàn diện. Theo kế hoạch, các ngoại trưởng EU sẽ nhóm họp vào 14/12 tới. Các chuyên gia cho rằng, các lệnh trừng phạt đã khiến Nga thiệt hại hàng trăm tỷ USD.
GDP của Nga vốn tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2014, đã sụt giảm khoảng 4,6% trong quý II năm nay so với cùng kỳ năm trước. Đồng ruble đã mất một nửa giá trị so với đồng USD trong nửa cuối năm ngoái, gây ra lạm phát, và thực tế lạm phát trong tháng 7 của Nga lại tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thêm lợi ích hay vơ lấy rắc rối?
Washington Post bình luận, dù việc kết nạp một quốc gia với 650.000 nghìn dân và vỏn vẹn 28 triệu USD ngân sách quốc phòng chỉ mang tính biểu tượng, nhưng chỉ điều đó thôi cũng có rất nhiều ý nghĩa.
Theo chuyên gia Michael Haltzel thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ quốc tế xuyên Đại Tây Dương, ĐH Johns Hopkins, việc NATO kết nạp Montenegro sẽ thể hiện rằng điều khoản 10 của liên minh vẫn được thực thi cho dù Nga có gây sức ép. Theo ông Haltzel, điều này cũng sẽ cho thấy, Moscow không hề sở hữu cái gọi là “quyền phủ quyết ngầm” đối với việc kết nạp thành viên NATO.
Tuy nhiên, trong một bài viết đăng trên tạp chí Forbes, chuyên gia chính trị quốc tế Doug Bandow cho rằng việc NATO mời Montenegro gia nhập liên minh sẽ chẳng có tác dụng gì. Chuyên gia Bandow nhận định, từ chỗ là liên minh được trông đợi để bảo vệ các nước châu Âu khỏi các mối đe dọa địa chính trị, thì nay NATO dường như đã trở thành một “Câu lạc bộ Quý ông”, nơi mọi người gia nhập theo mốt.
Một ví dụ khác là Thổ Nhĩ Kỳ. Với việc bắn hạ Su-24 của Nga, chính phủ Tổng thống Recep Tayip Erdogan đã kéo NATO vào một cuộc đối đầu với Moscow, trong bối cảnh các nước phương Tây đang muốn hợp tác với Nga trong chiến dịch chống khủng bố.
Mỹ bắt đầu di chuyển các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot ra khỏi căn cứ quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Defense News |
Vấn đề địa chính trị đã không có lợi như vậy mà cấm vận kinh tế cũng chẳng mấy sáng sủa, thậm chí còn có tác dụng đảo ngược. Vladimir Tikhomirov, kinh tế gia trưởng tại công ty tài chính BCS Financial Group cho biết, một số doanh nghiệp Nga đang phất lên sau các lệnh trừng phạt. “Rõ ràng có một số công ty đã được hưởng lợi và có thể tiếp tục hưởng lợi khi các lệnh cấm vận được gia hạn. Đó là các công ty trong ngành thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp”, ông Tikhomirov nói.
Một nghiên cứu mới đây của Áo cũng cho thấy chính EU sẽ thiệt hại tới 100 tỷ Euro (114 tỷ USD) nếu các lệnh trừng phạt còn kéo dài. Theo tính toán, tình hình căng thẳng chính trị với Nga hiện nay sẽ ảnh hưởng tới 2 triệu việc làm tại EU, do xuất khẩu suy giảm. Kết quả này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của Ủy ban châu Âu trước đó rằng, tổn thất khu vực này phải chịu là “khá nhỏ và kiểm soát được”.
Đừng đùa với “Gấu Nga”
Ngay sau khi NATO tuyên bố mời Montenegro gia nhập liên minh, Nga cũng không vừa khi lên tiếng nước này sẽ buộc phải đáp trả kế hoạch mở rộng của NATO. Tổng thống Vladimir Putin chỉ trích gay gắt việc NATO liên tiếp bành trướng về phía Đông, một kế hoạch được Moscow xem là hành động nhằm bao vây, phong toả Nga.
“Kiểu sáng kiến đó gây ra viễn cảnh đối đầu thực sự. Nó sẽ chẳng giúp tăng cường hoà bình và sự ổn định ở vùng Balkan nói riêng cũng như cả Châu Âu nói chung”, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga.
Nga đã điều S-400 tới Syria. Nguồn: RT |
Moscow cũng đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với kế hoạch thúc đẩy sự hiện diện quân sự của NATO ở Châu Âu. Nga bắt đầu thực hiện kế hoạch triển khai vũ khí tối tân ở nhiều khu vực sát biên giới với các nước thành viên NATO.
Không chỉ sẵn sàng đáp trả về mặt quân sự, giới lãnh đạo Nga còn rất tự tin trước tình hình kinh tế bị bủa vây bởi các lệnh cấm vận của EU và Mỹ. Thủ tướng Nga Dmitry Mevedev cho biết: “Trên thực tế, câu trả lời của chúng tôi chính là Nga không phụ thuộc vào thực phẩm, hoa quả... của châu Âu, mà chúng tôi có thể chủ động và đang tích cực thay thế các sản phẩm ngoại nhập”.
Còn nhớ hồi tháng Sáu vừa qua, phát biểu tại diễn đàn kinh tế ở St Petersburg, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng nếu phương Tây muốn có một không khí địa chính trị tốt hơn thì điều này phụ thuộc vào cách cư xử của phương Tây, chứ không phải Nga. Ông khẳng định: “Chúng ta không thể nói chuyện bằng ngôn ngữ của tối hậu thư”.