Nhiều trò lừa đảo ‘lấy mạng người’ ngay giữa đại dịch Covid-19 Ấn Độ
Không ít kẻ sẵn sàng vì đồng tiền mà có hành vi lừa đảo "lấy mạng người" ngay giữa đại dịch Covid-19 ở Ấn Độ.
Cảnh sát Ấn Độ đã triệt phá nhiều hình thức lừa đảo xảy ra ngay giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành như buôn bán thuốc giả, “phù phép” bình cứu hỏa thành bình oxy hay tái chế đồ y tế vốn chỉ dùng 1 lần. Có thể nói, đại dịch Covid-19 ở Ấn Độ trở thành “thiên đường” cho những kẻ trục lợi bất chính, sẵn sàng vì đồng tiền mà nhẫn tâm “đùa giỡn với mạng người”.
Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại, cô Komal Taneja cho hay, chồng cô là anh Chandrakant (36 tuổi) đã qua đời hồi đầu tháng Năm ngay tại ngôi nhà của họ ở New Delhi do không thể chờ đợi bình oxy đặt trên mạng được chuyển tới. Trước đó, họ đã đặt mua một bình oxy và trả 200 USD cho một cửa hàng trên mạng. Nhưng trên thực tế, bình oxy mà hai vợ chồng đặt mua không bao giờ được chuyển tới nhà của họ.
Nhiều kẻ chỉ vì đồng tiền sẵn sàng lừa đảo bệnh nhân Covid-19 để trục lợi bất chính. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
“Chúng tôi từng cố gắng suốt 1 tuần để đi tìm giường bệnh trong bệnh viện. Hai bệnh viện tư đã yêu cầu chúng tôi trả 1 triệu ruppe (13.800 USD) để đặt chỗ. Sau đó, chúng tôi tìm kiếm trên mạng một số điện thoại liên lạc hứa cung cấp bình oxy chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ với giá 15.000 rupee. Khi chúng tôi đặt hàng và trả tiền, họ còn đòi thêm tiền và sau đó không phản hồi lại”, cô Komal nghẹn ngào nói.
Trước khi qua đời vào ngày 1/5, anh Chandrakant từng là nhân viên sàn chứng khoán. Cái chết của anh khiến người vợ trẻ vốn chỉ làm công việc nội trợ, thì nay phải vật lộn đi tìm việc làm để chăm lo cho bố mẹ chồng.
Các nhà điều tra cho hay, nhiều kẻ lừa đảo đã tận dụng đại dịch Covid-19 để lừa gạt bệnh nhân và người thân của bệnh nhân.
Ông Narang, giám đốc điều hành một công ty tư nhân ở Noida, cho hay ông từng bị một tổ chức lừa đảo tinh vi “đưa vào tròng”, trong lúc cố đi tìm máy tạo oxy cá nhân cho người bạn bị bệnh.
“Tôi đã vào một đường link liên kết trông rất giống thật và còn xem cả hình ảnh album các mẫu máy. Giá cả cũng cạnh tranh. Tôi đã nói chuyện với một người qua điện thoại. Anh ta đòi số tiền 45.000 rupee cho 2 chiếc máy. Tôi thậm chí còn tin tưởng và giới thiệu cho một người bạn khác. Nhưng thực tế, chiếc máy không bao giờ được chuyển tới cho tôi”, anh Narang chia sẻ.
Vụ việc của anh Narang hiện là 1 trong số ít nhất 600 vụ án mà cảnh sát ở New Delhi đang tiến hành điều tra trong những tuần gần đây, liên quan tới việc người dân bị lừa đảo khi cố gắng đi tìm kiếm bình oxy, giường bệnh trong bệnh viện và thuốc men điều trị.
“Những kẻ phạm tôi xem đây là cơ hội để kiếm lời bất chính. Chúng tôi chỉ có thể hối thúc người dân cần thận trọng hơn nữa khi liên lạc qua các đường dây hỗ trợ được đăng công khai trên mạng”, ông Shibesh Singh, sĩ quan cảnh sát cấp cao ở Delhi cho hay.
Theo ông Singh, ban điều tra tội phạm của ông đã cho bắt giữ rất nhiều đối tượng lừa đảo bao gồm một băng đảng sản xuất và bán thuốc kháng virus Remdesivir giả với giá cao gấp 40 lần so với thị trường.
“Chi phí sản xuất thuốc giả chỉ khoảng 20 rupee, nhưng chúng bán ra thị trường với giá trên 10.000 rupee”, ông Singh nói thêm.
Chưa hết, một băng đảng phạm tội còn cố tình sơn lại các bình chữa cháy để biến thành bình oxy rồi rao bán. Có những đối tượng khác còn cho đăng ảnh bác sĩ với lời hứa hão cung cấp giường bệnh trong bệnh viện.
Trong tuần này, 6 người đàn ông cũng đã bị cảnh sát Ấn Độ bắt giữ trước cáo buộc giặt tẩy, tái đóng gói và bán hàng tấn găng tay y tế đã qua sử dụng được lấy từ các bệnh viện.
Một số nạn nhân cho rằng cần có thêm hình phạt nặng đối với những đối tượng lừa đảo nhất là trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành.
“Hãy treo cổ chúng. Nếu không thể làm vậy, chính phủ nên cho chúng đi tù chung thân. Lừa đảo không chỉ gây tổn thất tinh thần và tiền bạc, mà những kẻ lừa đảo còn đang đùa giỡn với mạng sống của con người”, anh Narang nhấn mạnh.
Trước đây, một vụ bê bối từng gây chấn động dư luận Ấn Độ được phát giác vào năm 2019 liên quan tới nhiều bác sĩ và cảnh sát. Theo đó, các đối tượng đã làm giả hồ sơ biến hàng trăm người dân làng ở Haryana thành nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông để yêu cầu cơ quan bảo hiểm trả tiền bồi thường.
Không chỉ lừa đảo trong nước, nhiều băng đảng tội phạm tại Ấn Độ còn nhắm tới những “con mồi” là người nước ngoài. Điển hình, hồi tháng 12/2020, cảnh sát Ấn Độ đã phá đường dây lừa đảo 4.500 công dân Mỹ với tổng số tiền là 14 triệu USD.
Bệnh nhân nằm cả trong nhà vệ sinh ở bệnh viện Ấn Độ
Một bệnh viện ở Ấn Độ bị điều tra sau khi hình ảnh người bệnh nằm cả dưới sàn nhà vệ sinh được hé lộ trên mạng xã hội.
Minh Thu (lược dịch)