Lầu Năm Góc: Nga và Mỹ là ‘những cường quốc có trách nhiệm’
Nga và Mỹ đóng vai trò là những cường quốc có trách nhiệm nhờ Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START - phía Nga gọi là START-3)
Điều này được Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ (STRATCOM) Đô đốc Charles Richard tuyên bố hôm 5/1.
“Tôi coi Hiệp ước New START là ví dụ gần đây nhất về mối quan hệ giữa Nga và Mỹ nhằm đảm bảo rằng chúng ta cởi mở và hiểu rõ động cơ của nhau khi đề cập đến các lực lượng chiến lược và khả năng răn đe chiến lược. Tôi tin rằng đây là dấu hiệu của một cường quốc có trách nhiệm. Đây là một đặc tính nên có trong những trường hợp nếu nước nào đó cố gắng trở thành một cường quốc”, TASS dẫn lời ông Richard.
Lầu Năm Góc bất ngờ gọi Nga và Mỹ là ‘những cường quốc có trách nhiệm’. (Ảnh: Izvestia) |
Ngoài ra, ông Richard không nói rõ liệu Moscow và Washington có nối lại các cuộc thanh tra theo Hiệp ước New START hay không, do bị đình chỉ bởi đại dịch Covid-19, nhưng ông nhấn mạnh rằng Lầu Năm Góc hoan nghênh và ủng hộ các sự kiện như vậy.
Theo TASS, Tư lệnh STRATCOM không nói về quan điểm của mình đối với việc gia hạn START-3, nhưng ông tiết lộ ông đã nói chuyện với đại diện của nhóm chuyển tiếp của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden về chủ đề này. Theo ông Richard, các cuộc họp này “diễn ra rất tốt đẹp”.
“Tôi ủng hộ bất kỳ hiệp ước kiểm soát vũ khí nào nhằm tăng cường an ninh của đất nước, giảm bớt các mối đe dọa đối với các đồng minh của chúng tôi”, Đô đốc Richard nhấn mạnh.
Trước đó, hôm 4/1, ông Jake Sullivan, người được ông Biden sắp bổ nhiệm làm Trợ lý An ninh Quốc gia, nói rằng việc thảo luận về Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới là vì lợi ích của cả Nga và Mỹ.
Ông Sullivan cho biết, hiện hiệp ước kiểm soát vũ khí này là một trong số ít lĩnh vực mà Moscow và chính quyền mới của Mỹ có thể hợp tác. Việc gia hạn hiệp ước này sẽ là bước đi đầu tiên của chính quyền mới của Mỹ.
“Chúng tôi cần xem xét khả năng gia hạn hiệp ước này vì lợi ích của Mỹ. Moscow và Washington có thể tiến tới kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược để đối phó với mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân đối với toàn thế giới”, ông Sullivan nói.
Đồng thời, theo ông Sullivan, ông Biden cũng sẽ xem xét khả năng giảm ngân sách dành cho vũ khí hạt nhân và vai trò của chúng trong chiến lược của Lầu Năm Góc. Hiện các chương trình về vũ khí hạt nhân của Mỹ ước tính sẽ tiêu tốn khoảng 1,2 nghìn tỉ USD.
Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới được ký kết vào ngày 8/4/2010 tại Prague (Cộng hòa Czech) thay thế các hiệp ước về giảm trừ vũ khí hạt nhân chiến lược đã ký kết trước đó. Hiệp ước có hiệu lực ngày 5/2/2011, dự kiến sau 10 năm (tức đến tháng 2/2021) sẽ hết hiệu lực và có thể kéo dài đến năm 2026 nếu hai bên đồng ý. Moscow đã nhiều lần kêu gọi Washington gia hạn hiệp ước nhưng Mỹ lại đưa ra một số điều kiện mà Nga không thể chấp nhận được .
Thỏa thuận quy định mỗi bên sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân để sau 7 năm kể từ khi ký kết hiệp ước và tiếp sau đó tổng số vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn, 800 bệ phóng đã triển khai và chưa triển khai.
Chính sách đối ngoại của Nga - Thổ có thể xảy ra xung đột mới?
Mới đây, trong báo cáo mang tên “10 cuộc xung đột cần đề phòng vào năm 2021” của Foreign Policy cho rằng, cùng với những thứ khác, những mâu thuẫn sẽ gây rắc rối cho Moscow và Ankara.
Thanh Bình (lược dịch)