Đàm phán với Nga về vũ khí hạt nhân có thể giúp ông Trump trong cuộc bầu cử?
Tờ Time nhận định, trong khoảng thời gian nước rút chuẩn bị bầu cử Tổng thống Mỹ, sẽ rất hữu ích cho ông Trump lúc này nếu Mỹ có thể đồng ý với Nga về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân.
Nhà Trắng muốn ký thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân với ông Putin trên đất Mỹ
NBC News đưa tin, hôm 16/8, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien cho biết, chính quyền ông Donald Trump muốn mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Hoa Kỳ và có thể tiến hành ký kết một thỏa thuận vũ khí.
Theo đó, Time lưu ý rằng, các bên có một số mâu thuẫn, nhưng họ đang “tiến về phía nhau”.
“Chính quyền ông Trump đã rút khỏi một số thỏa thuận, nhưng hiện họ đang cố gắng đạt được thỏa thuận toàn diện nhất bao gồm tất cả các loại vũ khí tầm cao, tầm trung và tầm ngắn”, Time viết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters) |
Mới đây, Hoa Kỳ đã thực hiện một bước nhỏ theo hướng đó, cụ thể, vào tuần trước đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề kiểm soát vũ khí, ông Marshall Billingslea đã gặp người đồng cấp Nga tại Vienna để thảo luận về việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START - phía Nga gọi là START-3). Giới phân tích cho rằng, Hoa Kỳ đang tìm cách hạn chế tất cả các kho vũ khí hạt nhân của hai nước.
Mặc dù Washington và Moscow còn bất đồng về một số vấn đề và Mỹ kiên quyết yêu cầu Trung Quốc tham gia vào thỏa thuận này, nhưng gần đây lập trường của ông Billingslea đã mềm mỏng hơn trước các cuộc đàm phán.
Được biết, thỏa thuận hiện tại không tính đến vũ khí hạt nhân mà máy bay ném bom chiến lược có thể mang theo. Ngoài ra, Hoa Kỳ khẳng định sẽ thắt chặt thủ tục kiểm tra việc tuân thủ các điều kiện, vì theo quan điểm của họ Nga đã vi phạm các thỏa thuận như vậy. Ví dụ, Hoa Kỳ muốn các bên có thể theo dõi các chuyến bay của nhau theo hiệp ước.
Theo những người ủng hộ việc thay đổi hiệp ước, Nga đã không ngừng tiếp tục chế tạo tên lửa và phát triển hệ thống chuyển giao vũ khí hạt nhân thế hệ mới. Về phần mình, Hoa Kỳ chỉ mới bắt đầu. Thỏa thuận mới sẽ cho phép cả hai quốc gia chuyển hướng các nguồn lực và sự chú ý sang các ưu tiên khác, bao gồm cả việc giải quyết đại dịch Covid-19.
Cũng theo Time, về phần Trung Quốc dù hiện nay nước này có tiềm lực hạt nhân không đáng kể nhưng Mỹ lo ngại Bắc Kinh sẽ tăng ít nhất là gấp đôi trong 10 năm tới. Do đó, Trung Quốc từ chối tham gia đàm phán trừ khi Mỹ đồng ý giảm vũ khí hạt nhân xuống mức yêu cầu của phía Trung Quốc.
“Nếu Mỹ và Nga có thể đạt được một thỏa thuận mà không có Trung Quốc, thì các cộng sự của ông Trump sẽ muốn ông gặp Tổng thống Putin về vấn đề này trước ngày bầu cử. Trong trường hợp đó, ông Trump sẽ có lợi thế trong cuộc tranh cử và bỏ lại các đối thủ của mình. Điều này sẽ làm “nổi bật khả năng đạt được thỏa thuận” của ông Trump, đồng thời, cho thấy mối quan hệ của ông với ông Putin đang mang lại hiệu quả”, Time nhận định.
Hiệp ước New START hiện là thỏa thuận song phương duy nhất giới hạn kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ. Theo thỏa thuận được ký năm 2010 này, Mỹ và Nga mỗi nước chỉ có thể triển khai 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm (SLBM), và máy bay ném bom tầm xa mang bom hạt nhân; không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân tầm xa; và không quá 800 bệ phóng ICBM, SLBM, máy bay ném bom có thể mang bom hạt nhân được triển khai hoặc chưa được triển khai. Giới chuyên gia nhận định hiệp ước New START là một thành công trong tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân nếu biết rằng thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, Nga và Mỹ mỗi nước sở hữu hơn 10.000 phương tiện có thể mang bom hạt nhân tấn công bên kia.
Hiệp ước New START được ký kết vào ngày 8/4/2010 tại Prague (Cộng hòa Czech) thay thế các hiệp ước về giảm trừ vũ khí hạt nhân chiến lược đã ký kết trước đó. Hiệp ước có hiệu lực ngày 5/2/2011, dự kiến sau 10 năm (tức đến tháng 2/2021) sẽ hết hiệu lực và có thể kéo dài đến năm 2026 nếu hai bên đồng ý.
Thanh Bình (lược dịch)