Đại sứ Trung Quốc tại Triều Tiên được ông Kim Jong-un ca ngợi là ai?
Với gần 7 năm tại nhiệm, đại sứ Trung Quốc tại Triều Tiên được đánh giá là người có công đóng góp vào “thời kỳ hoàng kim mới” trong quan hệ Trung - Triều.
Chủ tịch Kim Jong-un đã dành những lời ca ngợi cho đại sứ Trung Quốc tại Triều Tiên là ông Li Jinjun vì những đóng góp cho “thời kỳ hoàng kim mới” trong mối quan hệ song phương giữa hai nước. Ông Li sắp rời Triều Tiên để về Trung Quốc sau gần 7 năm nắm giữ chức vụ đại sứ.
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), những lời ca ngợi của ông Kim dành cho ông Li được “cánh tay phải đắc lực” là ông Choe Ryong-hae truyền đạt lại. Trước khi trở về Trung Quốc, ông Li cũng đã gặp gỡ Thủ tướng Triều Tiên Kim Tok-hun.
Chủ tịch Kim Jong-un gặp đại sứ Trung Quốc tại Triều Tiên Li Jinjun (người ngồi giữa bên phải) vào năm 2018. (Ảnh: KCNA) |
Như kế hoạch ban đầu, ông Li trở về Trung Quốc từ vài tháng trước, nhưng do chính quyền Bình Nhưỡng vẫn phong tỏa các đường biên giới để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19, sự trở về của ông Li buộc phải hoãn lại.
Ông Choe nhấn mạnh thêm, nhà lãnh đạo triều Tiên “vô cùng hài lòng” về mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh với “chủ nghĩa xã hội là trọng tâm” khi bước vào “thời kỳ hoàng kim mới dưới sự lãnh đạo của người đứng đầu hai đảng”.
Ông Choe cho biết, ông Li được ca ngợi là người đã hỗ trợ thành công tổ chức một số cuộc họp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vòng 7 năm qua, và vì sự phát triển của các mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia đồng minh, cũng như những sẻ chia trong cả thời kỳ khó khăn và thịnh vượng cùng người dân Triều Tiên.
Về phần mình, ông Li đã đề nghị ông Choe gửi lời cảm ơn tới Chủ tịch Kim và chúc mừng người dân Triều Tiên “đạt được những tiến bộ trên mọi lĩnh vực trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Hồi tháng Hai, chính quyền Bắc Kinh đã bổ nhiệm ông Wang Yajun (51 tuổi), một quan chức cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc thay thế ông Li làm đại sứ Trung Quốc tại Triều Tiên. Song quá trình chuyển giao đã buộc phải hoãn lại, do Triều Tiên vẫn cho phong tỏa tuyến đường biên giới dài 1.352 km với Trung Quốc để phòng dịch Covid-19.
Ông Li bắt đầu giữ chức đại sứ Trung Quốc tại Triều Tiên vào tháng 3/2015. Ông trở thành đại sứ Trung Quốc hoạt động lâu nhất ở Bình Nhưỡng. Sinh trưởng tại tỉnh Giang Tô, ông Li theo nghiệp ngoại giao và từng là đại sứ Trung Quốc ở Myanmar và Philippines.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, sau thông báo về việc ông Li trở về Trung Quốc có thể Trung – Triều sẽ nối lại các cuộc trao đổi cấp cao vốn bị gián đoạn suốt thời gian dài, kể từ khi chính quyền Bình Nhưỡng cho phong tỏa các đường biên giới.
Bởi ngay cả ông Ji Jae-ryong, cựu đại sứ Triều Tiên tại thủ đô Bắc Kinh, cũng đang có mặt ở Trung Quốc do đường biên giới vẫn bị phong tỏa. Trong khi đó, người kế nhiệm của ông Ji là ông Ri Ryong-nam đã nhận nhiệm vụ làm đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc từ tháng Tư.
Đáng nói, ông Li là một trong số ít nhà ngoại giao nước ngoài ở lại Bình Nhưỡng giữa lúc nhiều đại sứ quán đóng cửa trong giai đoạn Triều Tiên tiến hành phong tỏa và tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, khiến hoạt động luân chuyển nhân viên và đại sứ của các nước bị gián đoạn.
Kể từ khi ông Li giữ chức đại sứ Trung Quốc tại Triều Tiên, mối quan hệ giữa hai nước đã trải qua tình trạng lên xuống thất thường. Nguyên nhân là do Chủ tịch Kim ưu tiên phát triển các loại vũ khí hạt nhân và tên lửa. Bình Nhưỡng cũng đã chỉ trích gay gắt việc Bắc Kinh ủng hộ các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế đối với Triều Tiên.
Tuy nhiên, kể từ năm 2018, ông Kim đã có động thái hàn gắn quan hệ với Trung Quốc. Cụ thể, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc là tới Bắc Kinh để gặp gỡ ông Tập. Sau đó, ông Tập cũng đã tới thăm Bình Nhưỡng. Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Triều Tiên trong vòng 14 năm của một nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Giáo sư Yang Moo-jin tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên cho hay mối quan hệ hữu nghị giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng có ý nghĩa đối với việc duy trì sự ổn định và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
“Trong giai đoạn quan hệ với Trung Quốc ở mức thấp, Triều Tiên liên tiếp có những hành động khiêu khích như thử nghiệm hạt nhân và tên lửa tầm xa. Nhưng kể từ khi mối quan hệ hai nước đi vào ổn định vào năm 2018, Trung Quốc đã đóng vai trò kiềm chế Triều Tiên tránh xa các hành động làm gia tăng căng thẳng”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Yang.
Ông Evans Revere, cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ từng có kinh nghiệm đối thoại với Triều Tiên, cho biết do mối quan hệ Mỹ - Trung đang xuống dốc, một số quan chức Bắc Kinh có thể xem Triều Tiên là tài sản chiến lược, dù quy mô hạt nhân của Triều Tiên không khỏi khiến Trung Quốc lo ngại.
“Tình trạng đối đầu giữa Mỹ - Trung càng gia tăng, quan điểm trên sẽ còn được duy trì trong tương lai”, ông Revere kết luận.
Triều Tiên 'tụt hạng' trong danh sách ưu tiên của Tổng thống Biden
Thay vì tập trung vào vấn đề hạt nhân Triều Tiên, chính quyền của Tổng thống Biden hiện ưu tiên nhiều chủ đề khác.
Minh Thu (lược dịch)