Covid-19 hoành hành ở Mỹ, nhân viên y tế sang chấn tâm lý phải nghỉ việc
Dịch Covid-19 hoành hành tại Mỹ khiến nhân viên y tế bị sang chấn tâm lý và nhiều người đã nghỉ việc.
Các bệnh viện tại Mỹ đang đau đầu nghĩ cách níu giữ đội ngũ nhân viên y tế. Nguyên nhân là do nhiều bác sĩ và y tá đang bị tổn thương tâm lý nặng nề khi chứng kiến “làn sóng” bệnh nhân Covid-19 nhập viện gia tăng nhanh.
Đại dịch Covid-19 đang bước vào năm thứ 3. Riêng tại Mỹ, số người tử vong vì dịch bệnh đã hơn 800.000. Theo các chuyên gia, sự tàn phá của Covid-19 sẽ còn kéo dài trong vài năm tới.
Covid-19 hoành hành ở Mỹ khiến nhân viên y tế bị sang chấn tâm lý và nhiều người đã nghỉ việc. (Ảnh: Los Angeles Times) |
“Tôi cảm thấy như chúng tôi đang uống nước từ vòi chãy chứa mà không có cách nào kiểm soát được được dòng chảy”, CNN dẫn lời bác sĩ John Hick tại khoa cấp cứu ở Bệnh viện Hennepin tại bang Minnesota.
“Tôi đã làm tại khoa phòng cấp cứu được 25 năm. Hiện tại, mỗi ca làm việc khiến tôi nghĩ đây là ca tồi tệ nhất trong sự nghiệp của mình”, bác sĩ Hick nói thêm.
Theo bác sĩ Jessi Gold, Phó Giáo sư tại khoa nhi Bệnh viện Đại học Washington ở St. Louis, thái độ chống đối của nhiều bệnh nhân càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
"Trong tình cảnh hiện tại, nhiều người cứ la hét, mắng bạn và nói bạn không biết làm cái gì. Chuyện này giống như một cái vòi chữa cháy được đặt ở chế độ ghét bạn”, bà Gold chia sẻ.
Bác sĩ Rahul Koranne, Chủ tịch kiêm CEO của Hiệp hội Bệnh viện Minnesota, nhấn mạnh đại dịch Covid-19 tấn công đúng thời điểm nhân lực tại các bệnh viện và cơ sở y tế công cộng ở Mỹ đã rất mỏng.
“Trước thời điểm Covid-19 xuất hiện, chúng ta đã thiếu hàng ngàn nhân viên y tế và giờ lực lượng y tế đã bị kiệt sức. Họ muốn được nghỉ hưu. Họ đang viết đơn xin nghỉ việc”, ông Koranne nói với CNN.
“Năng lực chăm sóc y tế đang bị giới hạn. Chúng tôi đã nói với người dân rằng ở thời điểm hiện tại, nếu bạn bị tai nạn giao thông hoặc bị đau tim, năng lực chăm sóc của chúng tôi chỉ có hạn. Đó thực sự là một cuộc khủng hoảng”, ông Koranne nói thêm.
Phân tích dữ liệu của Đại học Johns Hopkins cho thấy, cứ 5 bệnh nhân đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) trong các bệnh viện trên lãnh thổ Mỹ thì có 1 người là bệnh nhân Covid-19. Gần 67.000 người đang nằm viện là bệnh nhân Covid-19. Dữ liệu của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cho hay, trong tháng 11, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện điều trị đã tăng 42%.
“Các giường bệnh đều đã có người nằm. Phòng cấp cứu cũng đã quá tải. Các lối hành lang cũng có bệnh nhân và một số người còn đang phải thở máy. Năng lực chăm sóc y tế hiện vô cùng giới hạn. Chúng tôi muốn người dân hiểu được tình hình hiện tại”, ông Koranne cho hay.
Theo bác sĩ Hick, số lượng nhân viên y tế nghỉ việc cũng đang gia tăng.
“Vấn đề lớn nhất hiện nay là chúng tôi không có nhân viên mà cụ thể là nguồn nhân lực. Sự mệt mỏi về thể chất khi chăm sóc cho nhiều bệnh nhân và những thách thức do phải mặc bộ đồ y tế (PPE) làm việc, cùng nhiệm vụ đôi khi làm cầu nối duy nhất giữa bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chính là sự khó khăn khủng khiếp”, ông Hick nhận định.
Những khó khăn đè nặng lên vai lực lượng y tế còn đến từ chính thái độ của bệnh nhân và người nhà người bệnh. Bởi không ít trường hợp tỏ ra nghi ngờ và thậm chí có thái độ thù địch, tấn công các y bác sĩ.
Sự xuất hiện của biến chủng Omicron càng khiến các bệnh viện, bác sĩ, y tá và nhân viên y tế Mỹ phải lo lắng.
Các nghiên cứu từ Nam Phi cho thấy biến chủng Omicron có khả năng né tránh một số loại vắc xin Covid-19 dù không hẳn là toàn bộ, và khiến số người phải nhập viện điều trị là khá ít. Nhưng Omicron hiện có tốc độ lây lan nhanh hơn cả biến chủng Delta và đang chiếm 3% trong tổng số ca mắc Covid-19 tại Mỹ.
Điều này có thể đồng nghĩa với việc thời gian tới sẽ có thêm nhiều người phải nhập viện điều trị. Giai đoạn nghỉ Lễ Tạ Ơn đã khiến số ca mới mắc Covid-19 tăng vọt. Những ngày nghỉ lễ từ giờ cho tới cuối năm có thể khiến tình hình trở nên phức tạp hơn, do người dân di chuyển nhiều hơn và kéo theo số ca mới mắc Covid-19 gia tăng.
“Khả năng các bệnh viện sẽ tiếp tục ở trong tình trạng cực kỳ quá tải vào quý I của năm 2022”, ông Hick đánh giá.
Bà Gold, người chuyên điều trị cho các nhân viên y tế, cho hay so với người dân Mỹ nói chung, nhân viên y tế là những người có sức khỏe tâm thần yếu hơn.
“Nhân viên chăm sóc y tế vốn là những người không có sức khỏe tâm thần tốt trước cả khi Covid-19 xuất hiện. Đây là vấn đề tồn tại lâu nay. Trước khi Covid-19 bùng phát, khoảng 50% lực lượng y tế đã cảm thấy bị làm việc quá sức”, bà Gold cho biết.
Theo ông Hick, các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế cho rằng đại dịch Covid-19 đã “đổ thêm dầu vào lửa” và đẩy mọi thứ vượt ngoài tầm kiểm soát. Ngoài ra, một trong những yếu tố đóng góp lớn nhất vào hội chứng làm việc quá sức và rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) chính là sự bất lực trước cơn sóng lây nhiễm của đại dịch Covid-19.
Bà Gold nhấn mạnh thêm, dường như Covid-19 sẽ không sớm biến mất. Do đó, tình trạng tổn thương tâm lý của các nhân viên y tế cũng không thể sớm được cải thiện.
Quốc gia ở châu Âu 'phong tỏa một phần' vì làn sóng lây nhiễm Omicron
Na Uy cấm quán bar và nhà hàng bán bia rượu để tránh tập trung đông người nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm Covid-19 do biến chủng Omicron.
Minh Thu (lược dịch)