Báo Đức: Thật sai lầm khi đổ lỗi cho Nga về cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu
Theo nhà báo Klaus Stratman của Handelsblatt (Đức), việc đổ lỗi cho Nga về tình trạng thiếu khí đốt ở Đức và các nước châu Âu giờ đây trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, nhà báo tin rằng, khối lượng cung cấp không chỉ phụ thuộc vào lý do chính trị. Cuộc khủng hoảng năng lượng cũng được giải thích là do chính người dân châu Âu, những người đã không thể tăng lượng dự trữ khí đốt vào mùa hè. Ngoài ra, theo ông, tình hình lấp đầy các kho chứa khí đốt không quá “suôn sẻ” ở chính Nga.
“Vào cuối tháng 10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho tập đoàn Gazprom tăng cường cung cấp khí đốt cho châu Âu vào tháng 11”, nhà báo Stratman viết.
Tuy nhiên, ông Stratman lưu ý, tháng 11 đã trôi qua và vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu sẽ tăng lên đáng kể. Mức độ lấp đầy của các cơ sở lưu trữ khí đốt vẫn còn thấp, đặc biệt là tại các cơ sở lưu trữ khí đốt ở Đức thuộc sở hữu của Gazprom hoặc trong đó Gazprom có một phần đáng kể.
Châu Âu đang đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh mùa Đông tới gần và nhu cầu sử dụng tăng vọt. (Ảnh: Nord Stream 2) |
“Dường như phía Nga sẽ hạn chế nguồn cung cấp khí đốt để đạt được việc vận hành đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2)”, ông Stratman nhận định.
“Nhưng việc này có đơn giản như vậy không? Tất nhiên, ông Putin là một chính trị gia cứng rắn, hành động từ thế mạnh và sử dụng mọi công cụ để thúc đẩy lợi ích của đất nước. Sự trầm trọng của căng thẳng Nga-Ukraine kéo dài đã minh chứng rõ ràng điều này. Giảm leo thang là một công cụ không đóng vai trò gì trong kho vũ khí của ông Putin”, Handelsblatt viết.
Tuy nhiên, theo ông Stratman, việc cung cấp khí đốt không chỉ được thực hiện “vì lý do quyền lực và bản chất chính trị”. Sau mùa đông lạnh giá năm ngoái, các kho chứa khí đốt ở châu Âu đã bị bỏ trống và do giá gas mùa hè năm nay tăng cao nên các thương nhân châu Âu đã “đuối sức” để tăng lượng dự trữ cho mùa đông.
Ngoài ra, theo tác giả bài báo, vấn đề hậu cần đã nảy sinh ở chính Nga, khi Gazprom phải lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt tại đất nước của mình cho đến mùa thu. Tất cả những điều này kết hợp với nhau phần nào giải thích tình hình cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu.
Thực tế theo số liệu của Ukraine, phía Nga vẫn chưa sử dụng hết công suất vận chuyển khí đốt qua một quốc gia mà họ đang trong tình trạng căng thẳng. Do đó, điều này rõ ràng không liên quan đến việc thiếu nhu cầu về khí đốt.
“Thật sai lầm khi đổ hết lỗi cho Nga về cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu. Nhưng mỗi ngày trôi qua, khi Nga cung cấp ít hơn mức có thể, những yêu cầu về một lời giải thích chắc chắn ngày càng lớn hơn”, ông Stratman giải thích.
Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn, như điện gió và năng lượng Mặt Trời, đã có tác động thúc đẩy nhu cầu về khí đốt - thường được ngành công nghiệp này coi là “nhiên liệu cầu nối” trung hạn giữa kỷ nguyên hydrocacbon và năng lượng tái tạo.
Nhưng mục tiêu dài hạn là tạo ra các nền kinh tế trung hòa khí thải ở Anh và châu Âu đã làm giảm nhu cầu đầu tư vào khí đốt - nguồn cung nhiên liệu hóa thạch mà nhiều người tin rằng sẽ lỗi thời trong 30 năm tới. Nguồn cung khí đốt trong nước của châu Âu đã giảm 30% trong thập kỷ qua.
Châu Âu về cơ bản có hai lựa chọn nguồn cung khí đốt, một là Nga và hai là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được vận chuyển bằng tàu. Cả hai nguồn đó đều không hoạt động như châu Âu hy vọng trong cuộc khủng hoảng này.
Những dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022
Các chuyên gia của Bloomberg Economics mới đây đã nêu tên những rủi ro chính mà các nền kinh tế toàn cầu có thể gặp phải trong năm 2022.
Thanh Bình (lược dịch)