16 máy bay quân sự Trung Quốc 'chọc giận' Malaysia
Sự xuất hiện của 16 máy bay quân sự Trung Quốc khiến Malaysia phải gửi công hàm phản đối và triệu tập đại sứ Trung Quốc tới giải thích.
Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein hôm 1/6 cho hay, ông sẽ triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Malaysia để phản đối sau sự việc các máy bay quân sự Trung Quốc xuất hiện gần bang Sarawak, phía đông Malaysia. Ông Hishammuddin nhấn mạnh, hành động của Trung Quốc ngang với việc “xâm phạm không phận và chủ quyền của Malaysia”.
Cũng trong đêm 1/6, ông Hishammuddin cho biết thêm, Bộ Ngoại giao Malaysia sẽ gửi công hàm phản đối vụ việc trên và yêu cầu đại sứ Trung Quốc Ouyang Yujing giải thích sự việc.
Xian Y-20 là một trong số các máy bay quân sự Trung Quốc tham gia "chọc giận" Malaysia. (Ảnh: CCTV) |
“Quan điểm của Malaysia là rõ ràng, dù có quan hệ ngoại giao hữu nghị với bất kỳ quốc gia nào thì không có nghĩa là chúng tôi sẽ thỏa hiệp về vấn đề an ninh quốc gia của mình. Malaysia quyết tâm bảo vệ danh dự và chủ quyền quốc gia”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Hishammuddin.
Trước đó, Không quân Hoàng gia Malaysia thông báo vào chiều ngày 1/6 lực lượng này đã điều động các chiến đấu cơ đi đánh chặn 16 máy bay Trung Quốc bị cáo buộc gần như sắp xâm phạm không phận quốc gia của Malaysia.
Ngay sau đó, phía Trung Quốc nhấn mạnh “các hành động được báo cáo” là một phần trong hoạt động huấn luyện bay thường kỳ và “không nhằm vào bất cứ quốc gia nào”, cũng như tuân thủ luật pháp quốc tế.
Phía Không quân Hoàng gia Malaysia cho hay, các máy bay Trung Quốc “bay theo đội hình chiến thuật” và được phát hiện bay trên độ cao cách mặt biển từ 7 – 8,2 km ở tốc độ 290 knot (537 km/h) khi có mặt trên vùng biển của Malaysia.
Do đó, Không quân Hoàng gia Malaysia đã điều động các chiến đấu cơ Hawk 208 thuộc phi đội số 6 tại Căn cứ Không quân Labuan để đi nhận diện các máy bay quân sự Trung Quốc. Các máy bay của Trung Quốc xuất hiện trong không phận Malaysia gồm Ilyushin 1l-76 và Xian Y-20.
“Sự việc này là mối đe dọa nghiêm trọng tới chủ quyền quốc gia và an ninh hàng không”, Không quân Hoàng gia Malaysia nhấn mạnh khu vực các máy bay quân sự Trung Quốc xuất hiện là vùng đông máy bay qua lại.
Trong một tuyên bố, phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc cho hay, “Trong quá trình huấn luyện, máy bay quân sự Trung Quốc đã tuân thủ chặt chẽ luật pháp quốc tế và không bay vào không phận thuộc chủ quyền của quốc gia nào. Trung Quốc và Malaysia là những nước láng giềng thân thiết và Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục tham vấn song phương hữu nghị với Malaysia để cùng duy trì nền hòa bình và ổn định của khu vực”.
Hồi năm 2020, Malaysia là một trong số các nước Đông Nam Á đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối tuyên bố "đường chín đoạn" phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Mỹ còn gì để đối phó với Trung Quốc khi tàu sân bay rời khỏi châu Á?
Khi tàu sân bay USS Ronald Reagan rời khỏi châu Á, hải quân Mỹ sẽ đối mặt với lỗ hổng lớn trong năng lực quân sự đối phó với Trung Quốc.
Minh Thu (lược dịch)