Thế giới về hùa cùng "Biểu tình Phố Wall"
Thế giới về hùa cùng "Biểu tình Phố Wall"
Người biểu tình dựng lều trại bên ngoài công viên Zuccotti trong hơn 2 tuần qua – Nguồn: CNN |
Cuộc biểu tình phố Wall chống lại sự bất bình đẳng về tài chính đã được nhiều người ngấm ngầm ủng hộ. Cuộc biểu tình này đã từ một công viên ở New York lan rộng ra toàn nước Mỹ từ Tampa, Florida đến Portland, Oregon và từ Los Angeles đến Chicago.
Hàng trăm người biểu tình đã tụ tập ở công viên Manhattan cách Wall street hai tòa nhà để xả sự giận dữ của mình đối với các nhà tài chính New York, những người bị họ buộc tội gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế khiến vô số dân thường Mỹ bị thất nghiệp và ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Các quốc gia Ả Rập nhận thấy phong trào này ở Mỹ là hình ảnh phản chiếu của các cuộc nổi dậy ở Ả rập. Người Tây Ban Nha và người Italia cho rằng phong trào này giống với phong trào Indignado ở Tây Ban Nha, còn Iran và Trung Quốc vốn đã có tư tưởng chống Mỹ thậm chí còn cho rằng phong trào này báo trước sự sụp đổ của Hoa Kỳ.
Lấy cảm hứng từ phong trào của Mỹ, các nhà hoạt động ở Luân Đôn sẽ tụ tập ở Sàn giao dịch chứng khoán Luân Đôn ngày 15 tháng 10 để biểu tình. Cũng ngày hôm đó, các nhóm hoạt động Tây Ban Nha sẽ đoàn kết cùng nhau biểu tình tại quảng trường Puerta del Sol tại Madrid.
“Người Mỹ đang ngày càng đi theo con đường mà những người dân thuộc thế giới Ả rập đã chọn lựa,” cơ quan tin tức sinh viên của Iran trích lời ông Masoud Jazayeri, một cựu thành viên của Những người bảo vệ cách mạng. “Chính phủ chuyên chế của Mỹ sẽ đối mặt với các cuộc nổi dậy giống như ở Tunisia và Ai Cập.”
Báo chí Trung Quốc viết về cuộc biểu tình Chiếm phố Wall với các bài xã luận buộc tội hệ thống chính trị của Hoa Kỳ và chỉ trích báo chí phương Tây đã đánh giá thấp những người biểu tình.
Hòa chung cùng thế giới
Ở Cairo, Ahmed Maher, người khởi xướng Phong trào thanh niên ngày 6 tháng 4 của Ai Cập tham gia vào cuộc lật đổ tổng thống Hosni Mubarak, cho rằng phong trào này đã liên hệ với một số nhóm tổ chức các cuộc biểu tình chống phố Wall.
“Vài ngày trước đây chúng tôi nhìn thấy một biểu ngữ ở New York với dòng chữ “Đây là quảng trường Tahrir” anh Maher nói, ám chỉ quảng trường ở Cairo là tâm điểm của cuộc cách mạng ở Ai Cập.
Tuy nhiên, một số người cho rằng có những điểm khác biệt giữa người biểu tình Ả rập và người biểu tình Mỹ.
“Những người biểu tình Ả rập bắt đầu bằng yêu cầu cải tổ nhưng nhanh chóng chuyển thành yêu cầu đòi chính phủ ra đi hoặc ít nhất là các nhà lãnh đạo phải từ chức,” Abdulaziz al-Uwaisheg, một nhà báo chuyên trang của tờ Saudi daily al-Watan nói. “Cuộc biểu tình ở Mỹ chống lại các chính sách cụ thể. Họ không yêu cầu thay đổi chính phủ.”
Veronica Garcia, một luật sư Tây Ban Nha 40 tuổi đã từng tham gia các cuộc biểu tình ở nước này, nhận xét “Cuộc biểu tình chiếm phố Wall là một nhánh của phong trào biểu tình trên toàn thế giới.”
Khơi nguồn cảm hứng
Tại Luân Đôn, thành phố vừa xảy ra các cuộc bạo động hồi tháng 8, những người biểu tình đã dùng các trang mạng xã hội như Facebook và Twitter để lên kế hoạch biểu tình ở sàn giao dịch chứng khoán vào thứ 7 này.
Theo reuters, những người biểu tình Chiếm lĩnh Luân Đôn tuyên bố trên website của mình rằng họ sẽ tập trung vào đấu tranh với “các hệ thống kinh tế gây nên sự bất công rõ rệt trên toàn thế giới.”
Các nghiệp đoàn ở Hy Lạp, những người vừa tổ chức cuộc biểu tình chống chính sách thắt lưng buộc bụng diễn ra ở nước này, đã hoan nghênh các cuộc biểu tình ở New York.
Tờ Korea Herald nhìn nhận phong trào này với khía cạnh lịch sử, cho rằng các cuộc biểu tình làm gợi nhớ đến phong trào dân túy ở Mỹ hồi những năm 1890 với các động cơ kinh tế, chống lại các nhà tư bản.
Tuy nhiên, đối lập với những cảm nhận đầy khí thế về phong trào chống phố Wall, các nhà bình luận nước Anh lại có cái nhìn khác. Giles Whittell, nhà bình luận của tờ thời báo Luân Đôn cho rằng phong trào chiếm Phố Wall thiếu một chương trình hành động mạch lạc, và ông kết luận đây là một phong trào “đầy nhiệt huyết nhưng không có phương hướng.”
Lê Dung