The Diplomat: "Với Triều Tiên, vũ khí là trên hết"
Chia sẻ với tạp chí The Diplomat, ông Thae Yong-ho, một cựu phó đại sứ Triều Tiên tại Anh nhưng đã đào tẩu sang Hàn Quốc năm 2016, đã lý giải nguyên nhân vì sao chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn quyết tâm phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân bất chấp sức ép và lệnh trừng phạt từ cộng đồng quốc tế.
Theo Diplomat, mỗi lần Triều Tiên phóng thử tên lửa lại có nhiều giả thuyết được đưa ra. Tuy nhiên, có ba giả thuyết chính. Thứ nhất, vụ phóng có thể đánh dấu một ngày trọng đại của Triều Tiên. Thứ hai, vụ phóng của Triều Tiên là nhằm thu hút sự chú ý của giới chính trị gia Hàn Quốc. Thứ ba, vụ phóng là thông điệp mà Triều Tiên muốn nhắn gửi tới đối thủ đáng gờm nhất của nước này là Mỹ. Song trong một số trường hợp, Triều Tiên cho phóng thử tên lửa chỉ vì hệ thống rocket đã sẵn sàng hoạt động.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. |
Còn theo ông Thae, mỗi khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhận được báo cáo về việc các khâu chuẩn bị cho một vụ phóng mới đã sẵn sàng, ông Kim sẽ không do dự ra lệnh cho tiến hành vụ thử bất chấp tình hình chính trị xung quanh đang có nhiều biến động. Cũng theo ông Thae, đây chính là cách mà gia tộc nhà họ Kim đã làm trong suốt nhiều năm cầm quyền.
"Sự phát triển của các dự án hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) không phải do ông Kim Jong-un quyết định. Dự án hạt nhân của Triều Tiên đã được tiến hành suốt một thời gian dài trước khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền", ông Thae chia sẻ.
Ông Thae cũng nhấn mạnh đối với Triều Tiên, phát triển hạt nhân và tên lửa là con đường đi tới chiến thắng.
Điều đáng nói là kể từ khi ông Moon Jae-in chính thức nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc vào ngày 10/5, Triều Tiên đã cho phóng tới 3 quả tên lửa tương đương với tần suất mỗi tuần một lần. Bình Nhưỡng đều khẳng định cả 3 vụ phóng này đã diễn ra thành công. Ngay cả nhiều quan chức chính phủ nước ngoài và giới phân tích cũng đồng tình với tuyên bố của Triều Tiên.
Theo ông Thae, cả chính sách đối ngoại và quốc phòng đều đang tạo ra tầm ảnh hưởng đối với chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại và quốc phòng của Triều Tiên lại dường như đang đối chọi nhau. Do đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tạo cho mình thế "đứng ở giữa" để cùng lắng nghe ý kiến của các tướng quân đội và quan chức ngoại giao đồng thời cho tiến hành các vụ phóng thử tên lửa.
Trong thời gian qua, rất nhiều ví dụ điển hình đã chứng minh chính sách quốc phòng của Triều Tiên đi ngược với chính sách ngoại giao. Cụ thể, hồi tháng Hai năm ngoái, đại sứ đặc biệt của Trung Quốc phụ trách các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên là ông Wu Dawei đã tới thăm Bình Nhưỡng. Tuy nhiên chỉ sau 2 ngày ông Wu kết thúc chuyến thăm, Triều Tiên đã cho phóng rocket mà theo cách Bình Nhưỡng gọi là đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Trong khi đó, mục đích chuyến thăm của ông Wu là thảo luận và ngăn chặn Triều Tiên có thêm hành động khiêu khích như phóng tên lửa và ông Wu đã không làm được việc này. Nói cách khác, theo ông Thae, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ chỉ dừng lại cho tới khi đạt được tới năng lực phòng thủ hạt nhân như mong muốn.
Ngay cả giới chính trị gia Mỹ cũng đã nhiều lần thất bại trong việc ngăn chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên. Điển hình là cái chết yểu của thỏa thuận "Ngày Nhuận" được Mỹ - Triều ký kết hồi tháng 2/2012. Nội dung chính trong thỏa thuận là việc Triều Tiên đồng ý ngừng tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa để đổi lại Mỹ viện trợ lương thực. Song trên thực tế, chỉ sau 5 tuần thỏa thuận này được ký kết, Bình Nhưỡng đã cho phóng rocket nhưng rocket này đã nổ tung ngay sau khi rời bệ phóng. Triều Tiên biện hộ rằng nước này phóng rocket để đưa vệ tinh lên vũ trụ và hành động này không vi phạm thỏa thuận "Ngày Nhuận". Trong khi đó, Mỹ cho rằng Triều Tiên đã vụng về bào chữa và đây thực chất là một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo trá hình.
Tới cuối năm 2012, Triều Tiên lại tiếp tục thử đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Mỹ vẫn nhận định đây là một vụ phóng thử tên lửa. Và tới đầu năm 2013, Triều Tiên đã cho tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân đầu tiên dưới thời lãnh đạo của ông Kim Jong-un.
Triều Tiên vẫn liên tiếp cho phóng thử tên lửa bất chấp lệnh cấm và trừng phạt của cộng đồng quốc tế. |
Theo ông Thae, chính sách ngoại giao mà Triều Tiên thi hành với Mỹ vào năm 2012 là theo kiểu "mua thời gian" nhằm kiềm chế Washington đưa ra các biện pháp trừng phạt cho tới khi ngành công nghiệp quốc phòng của Bình Nhưỡng sẵn sàng tiến hành thêm các vụ thử tên lửa và hạt nhân mới. Cũng theo ông Thae, những nỗ lực của Mỹ trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên được bắt đầu từ thời của cựu Tổng thống Bill Clinton, cũng đã rơi vào tình cảnh tương tự.
Ngoài ra, ông Thae cho rằng Triều Tiên chưa bao giờ tin tưởng "Tuyên bố chung liên Triều" được cố lãnh đạo Kim Jong-il và cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung ký kết vào ngày 16/6/2000. Thỏa thuận này là khởi đầu cho "Chính sách Ánh dương", mở ra thời kỳ tăng cường trao đổi kinh tế giữa Hàn – Triều. Tuy nhiên nhiều người cho rằng, phần lớn số tiền mà Triều Tiên thu được nhờ việc tham gia các dự án chung với Hàn Quốc đã được dùng để phục vụ cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm Moon Jae-in ngay từ trong chiến dịch tranh cử cũng đã hứa hẹn mở rộng trao đổi với Triều Tiên đồng thời nối lại kỷ nguyên của "Chính sách Ánh dương". Bất chất hành động Triều Tiên cho phóng thử tên lửa liên tiếp, ông Moon vẫn giữ nguyên quan điểm không từ bỏ kế hoạch hàn gắn quan hệ với Bình Nhưỡng mặc dù giờ chưa phải là thời điểm thích hợp để hai nước đàm phán.
Ông Thae thì cho rằng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên không thể giải quyết được bằng con đường thảo luận. Bởi ông Kim Jong –un "sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng hạt nhân. Và đây hoàn toàn là sự thật".