"Tháo gỡ’ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp xây dựng vượt qua khó khăn của đại dịch
Trước những khó khăn do tác động dịch Covid-19 lên ngành xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Dưới tác động kéo dài và sự bùng phát mạnh của đợt dịch lần thứ tư, đặc biệt cao điểm trong cuối tháng 7, tháng 8, khi nhiều địa phương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thực hiện cách ly, giãn cách theo chỉ đạo của Chính phủ, hầu hết các ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Thị trường bất động sản trong quý 3 cũng gặp nhiều khó khăn hơn.
Tại một hội nghị về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Lê Viết Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu, chia sẻ, thực hiện quy định về giãn cách xã hội, nhiều công trình phải dừng thi công. Tuy nhiên, nhà thầu vẫn bị chủ đầu tư phạt chậm tiến độ. Trong khi, dự án phải dừng thi công hay thi công cầm chừng thì nhà thầu cũng là bên phải gánh chịu nhiều thiệt hại. Do đó, theo ông Hải, Bộ Xây dựng nên có quy định về điều kiện bất khả kháng, quy định cụ thể khi chủ đầu tư chây ì không thanh toán để điều chỉnh, để nhà thầu và chủ đầu tư có cơ sở chia sẻ với nhau.
Bộ Xây dựng rà soát, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân. |
“Trong điều kiện hiện nay, xin giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không phải là giải pháp tốt. Làm thế nào để doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh mới là vấn đề cốt yếu. Đồng thời, tháo gỡ vướng mắc về vấn đề pháp lý cho các dự án cũng là giải pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản”, ông Hải bày tỏ quan điểm.
Là doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực bất động sản, ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh kiến nghị nhiều vấn đề. Trong đó, theo ông, bất cập lớn nhất hiện nay là chính sách làm nhà cho công nhân, nhà ở xã hội. Đợt dịch bệnh thứ 4 vừa rồi, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề do chỗ ở không được đảm bảo. Nên khi TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai nới lỏng giãn cách, người dân các tỉnh đã di cư về quê, dẫn đến tình trạng thiếu lao động để phục hồi kinh tế.
Ông Dũng cho rằng để xây dựng nhà ở xã hội, nhà nước phải có quỹ đất, có cơ chế giao cho chủ đầu tư có tiềm lực mới nhanh chóng đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời nên giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp để xây nhà ở xã hội, quy đổi cho các dự án nhà ở thương mại khác.
Bên cạnh đó, ông Dũng đề nghị có cơ chế cấp sổ hồng cho loại hình căn hộ condotel, bởi đến nay tỷ lệ được cấp sổ rất thấp. Bên cạnh đó cần có thông tư quy định về vận hành quản lý condotel, kinh phí bảo trì loại hình căn hộ này. Đồng thời không nên quy định có tiền sử dụng đất mới được chuyển nhượng dự án mà chỉ cần có chấp thuận chủ trương đầu tư.
Bộ Xây dựng đã lắng nghe ý kiến, kiến nghị đó để kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Bộ cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19”, tăng tính chủ động, tự chủ và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp. Rà soát, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân…
Kịp thời bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội và phân bổ nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, cơ quan này đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về chính sách phát triển nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp, trong đó, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 41/NQ-CP, Nghị quyết số 84/NQ-CP (khoảng 3.000 tỷ đồng) để phát triển nhà ở xã hội, bao gồm nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo công tác quản lý nhà nước vẫn liên tục, thông suốt, kịp thời đáp ứng yêu của của doanh nghiệp và người dân tháo gỡ vướng mắc khó khăn, Bộ đẩy mạnh áp dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục hành chính đảm bảo được thực hiện thường xuyên, không bị gián đoạn. Xây dựng kịch bản ứng phó với từng cấp độ dịch Covid-19 tại trụ sở Bộ Xây dựng; hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp trong đơn vị; triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, không để gián đoạn, đặc biệt là những nhiệm vụ, công việc có thời hạn.
Khôi Nguyên
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Đua 'đổ' tiền vào bất động sản ven biển
Vì đang ở giai đoạn đầu nên mức giá của phân khúc bất động sản du lịch còn thấp, đây là dư địa để nhà đầu tư có thể đổ tiền vào thị trường này, về trung và dài hạn sẽ có lợi nhuận.