Thành viên NATO sắp có tên lửa siêu hiện đại của Nga, Mỹ có "lạnh gáy"?
Theo tạp chí National Interest, mặc dù thỏa thuận này vẫn chưa được hai bên thống nhất hoàn toàn, song nếu được thông qua, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có trong tay một loại vũ khí hiện đại, đồng thời cho thấy rằng Ankara đang xích lại gần Nga hơn.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga trong lễ diễn tập cho diễu binh mừng đại thắng Phát xít Đức năm 2015. |
Thêm vào đó, đây cũng được coi là một tin hiệu mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn gửi tới Liên minh Châu Âu (EU). Trong những năm qua, EU đã xem xét Thổ Nhĩ Kỳ để kết nạp quốc gia này làm thành viên, tuy nhiên toàn bộ 28 thành viên đã nhất trí tạm ngừng đàm phán kết nạp vào ngày 24/11/2016. Một trong những lý do là bởi Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các hoạt động thanh trừng sau âm mưu khủng bố ngày 15/07 cùng năm.
Nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ Sam Bendett cho biết: “Xét trên phương diện chính trị, rất có thể Thổ Nhĩ Kỳ đang có ý định gửi một thông điệp mạnh mẽ tới EU”.
Tuy nhiên, trong quá khứ Thổ Nhĩ Kỳ đã từng hủy bỏ một thỏa thuận mua hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc trước sức ép từ Mỹ và các đồng minh NATO khác. Vì vậy vào thời điểm hiện tại một số chuyên gia chưa tin rằng thỏa thuận với Nga sẽ được ký kết.
“Tôi nghĩ rằng vẫn còn quá sớm để nói lên được điều gì. Năm 2013 Thổ Nhĩ Kỳ đã có thỏa thuận ban đầu để mua về hệ thống HQ-9 của Trung Quốc nhưng cuối cùng đã bị hủy bỏ”, ông Vasily Kashin, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Toàn diện Châu Âu và Quốc tế tại Nga cho biết.
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang nóng lên do Mỹ hậu thuẫn lực lượng người Kurd ở Syria cũng như việc châu Âu ngày càng không hài lòng với chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, khả năng thương vụ mua S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được thống nhất rất có thể sẽ trở thành hiện thực.
Ankara đang cần các hệ thống phòng không hiện đại và hi vọng có thể nắm được công nghệ cần thiết để có thể tự sản xuất một hệ thống như vậy trong nước. Vì vậy, việc hai bên có thống nhất thỏa thuận mua tên lửa hay không còn phụ thuộc vào việc Nga muốn chuyển giao công nghệ cho Thổ Nhĩ Kỳ đến đâu.
Theo hãng tin Bloomberg, Nga sẽ cung cấp hai hệ thống S-400 và cấp phép cho Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo thêm hai hệ thống nữa. Tuy nhiên Nga vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về thỏa thuận có thể có trị giá lên đến hơn 2,5 tỉ USD này.
Ông Kashin cho rằng mặc dù Nga muốn bán hệ thống phòng không hiện đại nhất của mình cho Thổ Nhĩ Kỳ, song Nga rất có thể sẽ không giao hết bí mật cho nước khác. Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ nhận được một phiên bản xuất khẩu có khả năng không bằng phiên bản gốc của S-400.
Hệ thống S-400 cũng đã được triển khai tới Syria. |
“S-400 có nhiều phiên bản khác nhau, và Nga cũng sẽ chào đón hệ thống S-500 hiện đại hơn trong vài năm tới”, ông Kashin nói. “Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác quan trọng nhưng cũng khó gần”.
Ông Bendett cũng nhất trí rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không được sở hữu phiên bản tối ưu nhất của S-400. “Rất có thể Nga sẽ không bán phiên bản mới nhất của S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ hoặc bán chúng với những điều kiện nhất định. Cho dù thế nào đi chăng nữa, thỏa thuận này cũng sẽ phục vụ cho kế hoạch phát triển vũ khí quy mô lớn của Thổ Nhĩ Kỳ”, chuyên gia người Mỹ nói.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 cũng có thể sẽ có lợi cho Mỹ và các đồng minh NATO nếu Ankara vẫn tiếp tục hướng về phương Tây. Điều này sẽ giúp NGAO có thể tiếp cận một hệ thống phòng không hiện đại của Nga để đánh giá khả năng và yếu điểm, qua đó vô hiệu hóa hệ thống này. Cho dù là phiên bản xuất khẩu, nó cũng phần nào giúp phương Tây biết cách để vượt qua hệ thống phòng không của Nga.
Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ có thể đang hướng về phía điện Kremlin, và đó sẽ là tin không vui đối với Washington.