Thanh Hóa: Người DTTS đua nhau làm đơn xin thoát nghèo để có động lực vươn lên
Những năm gần đây, số hộ nghèo ở huyện Quan Sơn giảm xuống ở mức thấp. |
Đua nhau làm đơn thoát nghèo
Theo tìm hiểu của PV, tại huyện biên giới Quan Sơn đã có 131 hộ gia đình dân tộc thiểu số đã viết đơn “Đề nghị xin thoát nghèo, thoát cận nghèo” gửi lên chính quyền địa phương với mong muốn được thoát khỏi hộ nghèo. Số lượng hộ dân viết đơn đang ngày càng tăng lên.
Theo thống kê, xã Mường Mìn có 39 hộ; xã Sơn Lư 20 hộ; Tam Lư 21 hộ... Đáng chú ý, có những bản khó khăn, bản biên giới như bản Yên, xã Mường Mìn (giáp biên giới Lào) có 128 hộ nhưng năm vừa qua có đến 23 hộ gia đình xin viết đơn đề nghị ra khỏi hộ nghèo, cả bản hiện chỉ còn 8 hộ nghèo.
Hàng trăm hộ gia đình ở huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) làm đơn đề nghị xin ra khỏi hộ nghèo. |
Ông Hà Xuân Tân, Chủ tịch UBND xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) cho biết: “Để đạt được kết quả như ngày hôm nay, ngoài các khoản hỗ trợ của nhà nước, chính quyền địa phương đã vận động, tổ chức tuyên truyền cho nhân dân phát triển sản xuất kinh tế để thoát nghèo”.
"Việc giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình cũng giúp mang lại thu nhập để các hộ thoát nghèo, giúp cho kinh tế địa phương đi lên, chính quyền cùng nhân dân trong xã phấn đấu 1 năm giảm từ 5-6% hộ nghèo. Kể từ đó, các hộ làm đơn xin được thoát nghèo ngày càng tăng và không còn trông chờ, ỷ lại chính sách của nhà nước", ông Tân cho biết thêm.
Có nhiều người tuổi đã cao như bà Vi Thị Vang đã tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. |
Còn tại xã Sơn Lư có 72 hộ thoát nghèo trong năm qua. Trong đó, có 20 hộ dân tự nguyện, xung phong viết đơn xin thoát nghèo.
Ông Lữ Thanh Hiệng, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) cho biết: “Huyện Quan Sơn là một trong những huyện nghèo của cả nước nói chung và một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa. 10 năm trước đây, người dân rất khó khăn về giao thông đi lại, tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, sản phẩm làm ra thì tự cung, tự cấp. Những năm gần đây, chương trình 30a, các dự án giảm nghèo đã giúp đỡ cho đồng bào huyện Quan Sơn xóa nghèo từng bước nâng cáo chất lượng cuộc sống”.
Cũng theo ông Hiệng, năm nào cũng có người viết đơn xin thoát nghèo, giúp kết quả của huyện vượt chỉ tiêu đề ra về tỷ lệ giảm nghèo, đời sống nhân dân được nâng lên, cơ sở vật chất được đầu tư, kinh tế sản xuất phát triển.
Nhường suất cho người khác
Sở dĩ hàng trăm hộ gia đình làm đơn xin thoát nghèo là vì cảm thấy kinh tế gia đình đã ổn định, không muốn ỷ lại, trông chờ vào nhà nước mà muốn tự mình vươn lên để thoát nghèo.
Bà Vi Thị Vang (64 tuổi, trú bản Luốc Làu, xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, khi chồng mất các con đang còn nhỏ, hoàn cảnh khó khăn nên gia đình được xét hộ nghèo. Bây giờ các con đã lớn và lập gia đình, kinh tế gia đình đã ổn định, có cái nhà để che mưa, che nắng nên tôi viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường cho gia đình khác còn nhiều khó khăn hơn mình”.
Ngoài công việc hàng ngày phụ giúp con cái, bà Vang còn làm nghề bốc thuốc nam kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, con trai bà ngoài làm ruộng còn có thêm thu nhập từ cây nan, cây nứa, trồng rừng để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Nhiều gia đình xin ra khỏi hộ nghèo để nhường sự hỗ trợ cho những gia đình khác khó khăn hơn. |
Ông Lương Văn Nhi (SN 1967, trú bản Hẹ, xã Sơn Lư, huyện Quan Sơn) cũng tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo với mong muốn nhường lại suất hộ nghèo cho những gia đình khác khó khăn hơn.
“Gia đình tôi cũng nghèo, nhưng đối với xã hội thì còn nhiều nhà vất vả hơn mình nhiều nên tôi quyết định viết đơn ra khỏi hộ nghèo để nhường cho người khác khó khăn hơn mình”, ông Nhi chia sẻ.
Nhiều gia đình đã dựng được những ngôi nhà kiên cố, ổn định cuộc sống. |
Ông Nhi tâm sự, so với các hộ khác trong bản thì mình đang còn khó khăn hơn, nhưng nhìn thấy nhiều hộ nghèo ở những nơi khác không có cả đất ở phải đi xin, đi mượn để có nơi ở thì tôi thấy đã may mắn hơn họ rất nhiều rồi.