Thâm nhập “công trường” khai thác đá xanh trái phép ở miền Tây xứ Thanh
"Đại công trường" khai thác đá xanh trái phép. |
Tình trạng khai thác đá xanh trái phép hiện nay diễn ra phổ biến ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa như Thường Xuân, Thọ Xuân…, khu vực tiếp giáp với tỉnh Nghệ An.
Để tìm hiểu rõ vấn đề, nhóm PV Báo điện tử Infonet đã theo chân những người dân thường xuyên đi vào rừng dựng lán trại, tận mắt “mục sở thị” quá trình đào đá quý (thạch anh, đá xanh…) để về bán cho các thương lái làm trang sức.
“Mục sở thị” đại công trường khai thác đá xanh trái phép
Để đến được khu vực khai thác đá quý (chủ yếu là đá xanh) tại khu vực đồi Tỷ trên núi cao thuộc địa bàn xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), chúng tôi phải đi bộ hơn 2h đồng hồ với khoảng cách 10km từ trung tâm xã vào khu vực người dân dựng lán khai thác đá xanh.
Một nhóm người với đầy đủ các vật dụng vào rừng tìm đá. |
Theo con đường mòn từ thôn Liên Sơn dọc theo suối Cả với những con đường ngoằn nghèo vượt qua nhiều con suối và qua thác Trai Gái là những cánh rừng già với nhiều cây gỗ lớn. Đây được xem là “đại công trường” khai thác đá xanh trái phép.
Dọc đường đi, chúng tôi bắt gặp hàng trăm hố được đào để khai thác đá. Mới có, cũ có, nằm san sát nhau trải dài khắp quả đồi.
Theo quan sát của chúng tôi thì có những hốc rộng khoảng 1m² và đào sâu khoảng 3m với hình dích dắc, nhiều hốc được đào khoảng 50 cm chiều sâu thì bỏ dở không tiếp tục đào nữa.
Một nhóm người đang tiến hành đào bới để tìm những viên đá xanh. |
Những phu đá, từ 4 đến 6 người chủ yếu là anh em, họ hàng và những người thân kết hợp cùng nhau thành một nhóm để lên rừng để dựng lán khai thác đá xanh.
Để khai thác đá xanh thì nhóm người sẻ phải đào từ trên mặt đất xuống dưới đi theo hình xoắn ốc, với độ sâu từ 3-7m.
Những người thanh niên có sức khỏe và trẻ tuổi sẻ dùng xà beng đào sâu vào trong lòng đất, khoét sâu vào các hang đất, đá để tìm đá xanh. Hang đá xanh chỉ vừa 1 người chui vào trong để khoét đất, đá sau đó bốc đất và đá vào một chiếc giỏ nhỏ để người bên trên dùng dây kéo lên.
Để đào những hốc khai thác đá thì điều đầu tiên phải phá cây rừng mọc trên mặt đất không kể to lớn miễn là khu vực đấy được cho là có đá xanh.
Tại một lán được dựng ở ngay ở hốc đá, chúng tôi phát hiện có 4 người bao gồm 2 nam, 2 nữ đang cùng nhau đào những hố mới, bên cạnh đó là hàng chục hố khác đã được đào với hàng chục cây gỗ lớn hơn người ôm bị bật gốc nằm chồng chéo, ngổn ngang nằm lên nhau với diện tích khoảng hơn 500 m² được xới tung, nhiều cây còn đứng yên nhưng xung quanh gốc đã được đào nham nhở, chặt đứt hết rễ để khoét vào sâu trong lòng đất tìm đá.
Người dân khoét sâu vào lòng đất để tìm đá. |
Một nam thợ đào đá cho chúng tôi biết: “Những nơi nào có phát hiện đá mạt màu trắng nhỏ thì sẽ đào và dường như trên quả đồi này ở đâu cũng có đá xanh, có những hố được đào sâu từ 3m, có hố đào sâu đến 7m, tất cả được đào trên đất Xuân Lẹ của Thường Xuân.
Việc đào được đá xanh là do may mắn thôi, có người đi cả tháng không đào được gì lại về nhưng có người đi buổi sáng buổi chiều về vì đào được trúng ổ đá xanh, còn nếu như đào được đá thạch anh thì chỉ bán được vài trăm nghìn 1kg".
Theo tìm hiểu của chúng tôi thời gian đi đào của mỗi nhóm bình quân là 1 tuần, có nhóm nửa tháng, có nhóm 1 tháng liên tục đào, bới trong những cánh rừng.
Một nam thanh niên khỏe mạnh đang dùng xà beng để đào bới. |
Ước mơ đổi đời và nỗi cay đắng bỏ mạng nơi hốc đá
Giai đoạn 2007 - 2014 là thời kỳ khai thác đá xanh rầm rộ nhất. Có thời điểm tại khu vực giáp ranh giữa xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân và xã Thông Thụ, huyện Quế Phong (Nghệ An) lên đến gần 100 người đổ xô đi đào đá với hàng chục lán trại được dựng lên.
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, tại khu vực đồi Tỷ thì việc khai thác đá xanh vẫn diễn ra khá rầm rộ với gần chục lán, trại được dựng lên ở đây.
Những viên đá xanh quý hiếm người dân đào bới được. |
Phương tiện khai thác của những người này rất đơn giản như 1 chiếc xà beng, cuốc; vật dụng cá nhân chỉ có chiếc ba lô đựng gạo, thức ăn (chủ yếu là cá khô, thịt lợn) được những người thợ đào đá mang theo lên lán để nấu ăn ở lại trên núi.
Nếu đào được ổ đá xanh thì sẽ đổi đời vì giá cao tùy thuộc vào chất lượng của đá có viên từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng.
Trao đổi với PV Báo điện tử Infonet, ông Hoàng Trọng Lưu - Chủ tịch UBND xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân cho biết: “Trước đây trên khu vực khai thác không chỉ có đá xanh mà còn có quặng; nhưng khi đào được không biết họ bán cho ai vì việc mua bán của các đối tượng hết sức tinh vi”.
Ông Lưu cũng cho biết thêm, thời kỳ khai thác rầm rộ nhất thì không chỉ có người của địa phương mà còn có người của các địa phương khác như xã Xuân Chinh, Vạn Xuân (huyện Thường Xuân), xã Xuân Bái (huyện Thọ Xuân) người ở huyện Như Xuân và một số địa phương ở miền núi của tỉnh Nghệ An.
Vì việc khai thác đá phải đào hố sâu, nhỏ và thiếu không khí, đặc biệt là rất dễ sập bởi đất ở đây rất tơi và dễ sạt lở nên nơi đây đã có rất nhiều phu đá bỏ mạng khi sập hầm.
Nhiều hốc sau khi khai thác bỏ lại có độ sâu 3-5 mét. |
Vụ việc điển hình như vào ngày 8/2/2015, khi Cầm Bá Tài (SN 1989), Cầm Bá Huế (SN 1988) và Cầm Bá Thu (SN 1995) tất cả đều trú xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đang đào hầm để khai thác đá xanh tại khu vực đồi Tỷ thì xảy ra sập hầm khiến 3 nạn nhân bị vùi trong hầm, tử vong.
Cũng theo ông Hoàng Trọng Lưu, từ trước đến bây giờ tổng cộng đã có 7 người chết khi đi khai thác đá xanh tại khu vực đồi Tỷ, trong đó xã Vạn Xuân 3 người, xã Xuân Lẹ 2 người, xã Xuân Cẩm 1 người và huyện Như Xuân 1 người.
Một lán trại đã được phá dỡ sau khi khai thác. |
Chính quyền địa phương nói gì?
Theo ghi nhận của PV, thời gian gần đây hằng ngày vẫn có nhiều nhóm người đeo ba lô cùng nhau vào rừng dựng lán đào đá xanh trên khu vực đồi Tỷ nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Trọng Lưu - Chủ tịch UBND xã Xuân Lẹ khẳng định, hiện giờ người dân địa phương không đi đào đá xanh nữa mà ở nhà tích cực tham gia trồng rừng.
Những cánh rừng tan hoang dần trước nạn khai thác đá xanh trái phép. |
"Chúng tôi đã phối hợp nhiều lực lượng cắt cử giám sát việc người dân đi đào đá xanh, nếu phát hiện người nào đeo ba lô khả nghi chúng tôi sẽ cho kiểm tra, rà soát hàng ngày, cuối tuần đều lập báo cáo chi tiết", ông Lưu cho biết thêm.
Còn ông Vi Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Xuân trăn trở, do không có công ăn việc làm ổn định nên người dân với tham gia đi đào đá xanh nhưng từ trước tết đến bây giờ tình trạng này đã không còn, người dân địa phương cũng cam kết với Công an xã là không đi đào đá xanh nữa.
Khi chúng tôi phản ánh việc vẫn ghi nhận được tại đồi Tỷ nhiều người dân địa phương vẫn lên rừng, cùng nhau đào hố để khai thác đá xanh ở đây thì ông Phạm Thăng Long - Hạt trưởng hạt kiểm lâm Thường Xuân nói: “UBND huyện đang phối hợp và chỉ đạo các nghành chức năng kiểm tra việc khai thác đá xanh tại xã Xuân Lẹ”.
Ông Long cũng thừa nhận tình hình an ninh rừng ở Xuân Chinh và Xuân Lẹ không ổn định, hạt cũng cử một phó hạt chuyên trách nằm vùng tại địa phương.
Video về tình trạng khai thác đá xanh ở Xuân Lẹ: