Thảm kịch MH17 không thể giúp đông Ukraine hết chiến tranh
Tờ Washington Post cho biết nhiều người dân tại khu vực miền đông Ukraine tỏ ý ủng hộ lực lượng ly khai thân Nga – những người đã bị Mỹ và chính phủ Kiev cáo buộc dùng tên lửa do Moscow cung cấp để bắn rơi chiếc máy bay dân sự MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines hôm 17/7.
"Chính quân đội Ukraine đã bắn rơi MH17. Có 2 chiếc máy bay bay đằng sau máy bay của Malaysia. Đó là những gì mà tôi nghe được”, Washington Post dẫn lời ông Oleg (50 tuổi), một người dân sinh sống tại ngôi làng Hrabove và là nơi các mảnh vỡ của MH17 rơi xuống.
Lực lượng ly khai trao các hộp đen của chuyến bay MH17 cho quan chức Malaysia. |
Thảm kịch thương tâm MH17 đã không thể giúp tình hình căng thẳng tại miền đông Ukraine lắng dịu khi các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ Kiev và quân nổi dậy không ngừng gia tăng.
Điển hình, hôm 26/7, quân đội chính phủ Ukraine và lưc lượng ly khai miền đông đã nhiều lần nã đạn vào nhau ngay sát khu vực hiện trường rơi máy bay Boeing 777-200 của Malaysia, buộc các quan sát viên quốc tế chịu trách nhiệm điều tra nguyên nhân rơi của MH17 phải hủy lịch làm việc.
Trong khi đó, giới chức Mỹ thông báo hôm 25/7, 15.000 binh sĩ Nga đã được huy động tới sát biên giới Ukraine. Đây được xem là động thái hoàn toàn mới của Tổng thống Vladimir Putin thay vì ngừng ủng hộ lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine vốn bị Mỹ cáo buộc là thủ phạm gây ra thảm họa cho MH17.
Các quan chức Ukraine và NATO còn cho rằng quân đội Nga đã bắn phá xuyên qua biên giới nhắm tới các đồn trú của lực lượng vũ trang Ukraine. Thậm chí, một số bản báo cáo nhấn mạnh nhiều loại vũ khí và phương tiện hạng nặng đã được Nga vận chuyển qua biên giới vào Ukraine hồi tuần trước song Moscow đã phủ nhận cáo buộc này.
Chính lực lượng ly khai miền đông Ukraine khẳng định họ không hề liên quan tới vụ tấn công chiếc may bay dân sự MH17 và cũng không có ý định ngừng giao tranh với quân đội chính phủ Kiev.
Tại Torez, thành phố cách khu vực biên giới với Nga 13 dặm, các quan chức tình báo Ukraine cho biết họ phát hiện dấu vết về sự xuất hiện của một bệ phóng tên lửa phòng không Buk lăn bánh trên đường phố chỉ vài giờ trước khi chuyến bay MH17 bị bắn rơi. Họ cũng công bố một bức ảnh làm bằng chứng trên tài khoản riêng của tổ chức.
Tuy nhiên, người dân địa phương tại Torez lại khẳng định họ không nhìn thấy bất cứ một hệ thống tên lửa Buk nào trong những ngày gần đây.
“Tại sao tôi phải tin thông tin này? Tôi nghe thấy nhiều người nói rằng các chiến đấu cơ Su-25 đã đeo bám chuyến bay MH17”, một người phụ nữ tại Torez chia sẻ bởi trước đó, lực lượng ly khai miền đông Ukraine cáo buộc chính các máy bay chiến đấu Sukhoi của quân đội Ukraine đã bắn rơi MH17.
“Tại sao chúng tôi phải tin những thông tin phân tích dữ liệu chuyến bay MH17 của người Anh khi mà họ đang nằm dưới vòng kiểm soát của Mỹ”, người phụ nữ nói thêm.
Hiện trường vụ rơi máy bay dân sự MH17 của Malaysia. |
Còn tại trạm khí đốt Pitstop Market, nơi bức ảnh rõ nét nhất về hệ thống tên lửa Buk được công bố, các nhân viên tại đây cho biết khả năng bức ảnh này được chụp từ khu vực bãi đỗ xe của họ.
Tuy nhiên, bức ảnh này chưa thể là bằng chứng xác thực bởi chỉ có phía tình báo Ukraine cáo buộc lực lượng ly khai bắn rơi MH17.
“Bạn chỉ nên tin vào những điều mà bạn tận mắt chứng kiến”, Sergei Senchenko, một nhân viên tại trạm khí đốt Pitstop Market làm việc hôm 17/7 chia sẻ. Song, anh này khẳng định mình không hề nhìn thấy hệ thống phóng tên lửa Buk.
Quyết cố thủ trước quân đội Kiev
Các tướng lĩnh lực lượng ly khai cũng đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận liên quan tới vụ tấn công MH17 đồng thời khẳng định sức mạnh chiến đấu của họ ngày càng được tăng cường sau thảm họa rơi máy bay Malaysia.
“Nhìn xem, đây là bản hiệp ước quốc tế đầu tiên của chúng tôi”, Sergei Kavtaradze, người đại diện cho thủ lĩnh ly khai Alexander Borodai công bố bản copy về việc quân nổi dậy trao các hộp đen của chuyến bay xấu số MH17 cho phía quan chức Malaysia và chính quyền Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng.
Giao tranh tại miền đông Ukraine khiến các nhà điều tra quốc tế vụ rơi máy bay MH17 phải hủy lịch làm việc. |
Sau đó, chính các quan chức thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Malaysia đã trao các hộp đen của chuyến bay MH17 cho giới chuyên gia Anh để giúp phân tích dữ liệu.
Ông Kavtaradze nhấn mạnh sau nhiều tháng xung đột, không một người dân nào tại miền đông Ukraine còn có thể quay lại nhịp sống như thời chiến tranh chưa xảy ra.
“Trong những năm tới, không ai còn muốn sống dưới sự dẫn dắt của chính phủ Ukraine bởi quá nhiều máu đã đổ và nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy”, ông Kavtaradze chia sẻ. Giống như thủ lĩnh ly khai Borodai, ông Kavtaradze cũng là công dân mang quốc tịch Nga sinh sống tại Moscow cho tới đầu năm nay.
Trong khi đó, một tướng chỉ huy quân nổi dậy hy vọng cuộc giao tranh nên sớm được chuyển sang đàm phán song nhấn mạnh lực lượng ly khai có khả năng trụ vững lâu hơn quân đội Ukraine.
“Xung đột có thể tránh được nếu một số quốc gia nước ngoài lớn không can thiệp vào tình hình hiện nay”, Alexander Khodakovsky, một tron số ít công dân Ukraine nắm vị trí chủ chốt lãnh đạo quân ly khai miền đông Ukraine nói.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Washington Post, nhật báo lớn nhất và là lâu đời nhất tại Washington D.C, Mỹ. Bên cạnh những tờ báo lớn khác như The New York Times, The Wall Street Journal và Los Angeles Times, The Washington Post thường đăng tải các phóng sự về Nhà Trắng, Quốc hội và những khía cạnh khác của chính phủ Mỹ.