Thái Lan: Khó có chiến thắng cho phe Dân chủ
Tính tới ngày 16/1, các cuộc biểu tình “đóng cửa” thủ đô Bangkok đã kéo sang ngày thứ tư, giới quan sát nhận định nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu bạo lực đang ngày càng gia tăng. Đặc biệt, một số báo cáo tiết lộ những người ủng hộ chính quyền đương nhiệm đang tích trữ vũ khí chuẩn bị chiến đấu nếu bà Yingluck buộc phải từ chức.
Tờ Bangkok Post nhấn mạnh phe Áo Đỏ - những người ủng hộ cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra và bà Yingluck, đang sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp nữ Thủ tướng (46 tuổi) buộc phải rời khỏi văn phòng khi có sự can thiệp của quân đội hoặc tòa án.
Hàng chục ngàn người xuống đường biểu tình "đóng cửa" thủ đô Bangkok từ ngày 13/1 |
Nguồn tin từ tờ Bangkok Post cho biết: “Những người theo phe Áo Đỏ vốn có kinh nghiệm sử dụng vũ khí, đang sôi sục ý chí phản đối đảo chính và phán quyết của tòa án”.
Kể từ hôm 13/1, hàng chục ngàn người biểu tình thuộc phe Áo Vàng đã tiến hành phong tỏa các giao lộ chính tại thủ đô Bangkiok – trung tâm du lịch và kinh tế của Thái lan, nhằm buộc chính phủ đương nhiệm và Thủ tướng Yingluck từ chức.
Theo đó, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đã dẫn đầu các đoàn tuần hành và dựng trại quanh các tòa nhà chính phủ buộc những cơ quan này phải ngừng hoạt động và các nhân viên chính phủ không thể đi làm hoặc quay trở về nhà.
“Động thái này nhằm buộc chính quyền đương nhiệm phải từ chức”, ông Suthep khẳng định với hãng tin BBC hôm 15/1.
Trước đó, nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng từ cuộc khủng hoảng chính trị, Thủ tướng Yingluck đã tuyên bố giải tán quốc hội và kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử sớm vào ngày 2/2. Tuy nhiên, thủ lĩnh biểu tình Suthep đã yêu cầu bà Yingluck từ chức vô điều kiện đồng thời đe dọa bắt giữ Thủ tướng và các thành viên trong nội các nếu bà không thoái vị ngay lập tức.
Người biểu tình dựng bao cát chắn các giao lộ tại Bangkok |
Thủ tướng Yingluck khẳng định: “Nếu người dân không muốn duy trì chính phủ đương nhiệm, họ nên tham gia bỏ phiếu”.
Trong lịch sử, các đảng phái ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin đã giành thắng lợi trong 5 cuộc bầu cử gần đây do nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân sinh sống tại khu vực nông thôn phía đông bắc Thái Lan. Song tại các tỉnh phía nam, cựu Thủ tướng Thaksin lại không được chào đón bởi những người phản đối cáo buộc ông này từng gian lận bầu cử.
Ông Thaksin đã bị quân đội đảo chính cách đây hơn 7 năm và hiện sống lưu vong tại Dubai sau cáo buộc tham nhũng.
“Những người dân tại khu vực nông thôn phía đông bắc Thái Lan đã không phải nộp thuế. Ông Thaksin đã bỏ tiền mua phiếu bầu của họ và sau đó biển thủ tiền thuế của chúng tôi”, một giáo viên tên Noi (48 tuổi) tại tỉnh Chonburi trở lời tờ Time hôm 14/1 khi đang tham gia đoàn biểu tình bên ngoài Bộ Du lịch.
Hiện nay, những người biểu tình mong muốn một hội đồng gồm các lãnh đạo không qua bầu cử lên nắm quyền điều hành đất nước thay cho chính phủ dân chủ đương nhiệm được bình bầu cách đây 2 năm cũng như thi hành hàng loạt cải cách nhằm xóa bỏ hoàn toàn quyền lực của cựu Thủ tướng Thaksin.
“Trái lại, phe Áo Đỏ lại ủng hộ ông Thaksin bởi ông chính là người cho họ tiếng nói và thi hành những chính sách quan tâm tới người dân nông thôn”, Thitinan Pongsudhirak – giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Chulalongkorn tại Bangkok nói.
Trong ngày 16/1, số người tham gia các đoàn biểu tình phong tỏa thủ đô Bangkok đã có chiều hướng giảm so với hôm đầu tuần. Trước đó, Cục Điều tra đặc biệt Thái Lan cũng tuyên bố triệu tập 55 lãnh đạo biểu tình liên quan tới việc “đóng cửa” thủ đô Bangkok.
Thủ lĩnh biểu tình Suthep (ngoài cùng bên phải) quyết tâm buộc Thủ tướngYingluck từ chức |
Riêng thủ lĩnh biểu tình Suthep đang phải đối mặt với tội danh nổi loạn ở vai trò là người đứng đầu cuộc trấn áp phe Áo Đỏ vào năm 2010 tại trung tâm Bangkok khiến gần 90 người thiệt mạng và 2.000 người khá bị thương.
Tuy nhiên, các lãnh đạo biểu tình đã không tuân theo quyết định của Cục Điều tra đặc biệt Thái Lan và vẫn tiếp tục tham gia dẫn đầu các đoàn tuần hành bao vây nhiều giao lộ và tòa nhà chính phủ. Hiện nay, khoảng 20.000 cảnh sát và binh sĩ Thái Lan đã được huy động làm nhiệm vụ duy trì an ninh tại thủ đô.
“Chúng tôi cố gắng không tiến quá gần tới đoàn biểu tình. Họ sẽ tức giận khi nhìn thấy chúng tôi và đụng độ có thể xảy ra”, một nhân viên cảnh sát giấu tên trả lời hãng tin AFP.