Thái Lan: Biểu tình tiếp diễn trong khung cảnh đìu hiu
Biểu tình ở Thái Lan lại tiếp tục diễn ra |
Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban đã đưa ra yêu cầu cải cách chính trị và một cuộc bầu cử được tổ chức dưới sự giám sát của "hội đồng nhân dân" do ông đề cử hơn là do bà Yingluck thiết lập vào ngày 02/02/2014.
Khoảng 2.500 người đã tuần hành dọc theo một trong những con đường chính của thành phố, họ cầm biểu ngữ có dòng chữ "Chúng ta chống tham nhũng" và "Không có bầu cử trước khi cải cách". Những người khác dự kiến sẽ tham gia khi đoàn biểu tình đi qua các khu vực trung tâm thương mại.
Cuộc biểu tình có mục đích chống lại sự lãnh đạo của đảng Pheu Thái, mà theo phe đối lập vẫn chịu rất nhiều ảnh hưởng từ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ông Thaksin, cựu tài phiệt viễn thông, được những người nghèo nông thôn yêu mến vì các chính sách dân túy thời kỳ ông còn nắm quyền. Ông đã bị lật đổ bởi quân đội vào năm 2006 và hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài.
Em gái ông Thaksin, bà Yingluck đã giành được chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2011 và đảng Pheu Thái của bà hứa hẹn cũng sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới vì sự hỗ trợ lâu dài của ông Thaksin ở miền bắc và đông bắc Thái Lan.
Những lời buộc tội chống lại đảng Pheu Thái xuất phát từ việc phe bảo hoàng cảm thấy bị đe dọa bởi sự gia tăng ảnh hưởng của ông Thaksin. Cùng với đó là tầng lớp trung lưu căm ghét việc thuế mà họ nộp cho quốc gia bị chi tiêu vào các chính sách dân túy lãng phí và bị bỏ ra mua phiếu bầu cử.
Phong trào của ông Suthep được gia tăng động lực hồi đầu tháng, sau khi chính phủ Yingluck cố gắng thúc đẩy thông qua một dự luật ân xá chính trị sẽ cho phép ông Thaksin trở về nhà như một người tự do.
Sau khi không tìm được sự ủng hộ từ phía quân đội, ông Suthep đang cố gắng tiếp tục đẩy cao đồng thuận với mình từ các cuộc biểu tình trong tuần này, đặc biệt là cuộc biểu tình tổ chức vào ngày Chủ Nhật.
Hôm 9/12, đã có khoảng 160.000 người biểu tình bao vây văn phòng của bà Yingluck khi bà kêu gọi một cuộc bầu cử sớm. Họ đã chiếm đóng một số bộ ngành và các tòa nhà khác của Nhà nước Thái Lan trước đó. Tuy nhiên, cảnh sát ước tính chỉ có khoảng hơn 2.000 người cắm trại tại địa điểm biểu tình chính.
Một tòa án đã ban hành lệnh bắt giữ đối với Suthep về những trách nhiệm đối với cuộc biểu tình nhưng cảnh sát đã không làm gì để bắt ông ta, bất chấp sự xuất hiện của ông Suthep tại một cuộc hội thảo với quân đội và các sự kiện công cộng khác.
Tuy nhiên, vào ngày thứ Tư, Cục Điều tra đặc biệt Thái Lan cho biết sẽ yêu cầu các ngân hàng đóng băng tài khoản của 18 nhà lãnh đạo cuộc biểu tình, trong đó có Suthep, để điều tra những gì mà họ gọi là giao dịch đáng ngờ.
Các nhà lập pháp đảng Dân chủ đã từ chức khỏi Quốc hội Thái Lan trong tháng này, thể hiện sự ủng hộ đối với ông Suthep, cựu Phó Thủ tướng của đảng Dân chủ lãnh đạo cho đến năm 2011.
Một số đồng ý với lời kêu gọi cải cách nên được thực hiện trước khi cuộc bầu cử được tổ chức, nhưng những người khác tin rằng đảng của họ, đảng lâu đời nhất của Thái Lan, nên tôn trọng tiến trình dân chủ và tranh cử. Một quyết định được dự kiến sẽ được đưa ra vào ngày thứ Bảy (21/12) tới đây.