Thái Bình: Đẩy mạnh giám sát bữa ăn bán trú mầm non
Giáo viên mầm non chia cơm cho các con. |
Giám sát kiểm tra
Những năm qua, công tác chăm sóc trẻ bán trú tại tỉnh Thái Bình luôn được quan tâm. Ngoài việc các trường mầm non trong tỉnh phải phối hợp với Trạm y tế tổ chức khám sức khỏe, tiêm chủng định kỳ, theo dõi trẻ trên biểu đồ tăng trưởng cho 100% trẻ thì các giáo viên sẽ sàng lọc. Nếu trẻ em suy dinh dưỡng ở thể thấp còi và nhẹ cân sẽ được ăn phục hồi theo chế độ từ 2 - 3 ngày trong 1 tuần.
Sở Y tế tỉnh Thái Bình đã chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thái Bình, thời gian qua Chi cục và Trung tâm Y tế 8 huyện, thành phố đã đồng loạt thành lập đoàn kiểm tra, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường mầm non, tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 324/324 trường mầm non và 96/276 trường tiểu học tổ chức ăn bán trú cho học sinh. 100% số bếp ăn tập thể đã được kiểm tra.
Kết quả kiểm tra thấy 91,4% số bếp được thiết kế, bố trí đảm bảo không ô nhiễm chéo; 97,4% số bếp có dụng cụ ăn uống và dụng cụ chế biến đảm bảo an toàn.
Theo đánh giá của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thái Bình, 97,4 % số bếp được kiểm tra có đầy đủ các hợp đồng cung cấp nguyên liệu. Một số trường mầm non tư thục tại thành phố Thái Bình đã công khai việc nhập nguyên liệu và giúp phụ huynh giám sát việc sơ chế chế biến tại bếp ăn tập thể bằng cách lắp đặt hệ thống camera giám sát trực tuyến. Có 96,4% số bếp thực hiện việc kiểm thực ba bước và 94,5% số bếp thực hiện lưu mẫu đúng quy định nhưng còn một số trường thực hiện lưu mẫu thực phẩm chưa đúng quy định, lưu chưa đủ số lượng, lưu lẫn lộn các loại thực phẩm, không dán tem niêm phong khi lưu mẫu.
Chọn thực phẩm có nguồn gốc
Đông Hưng là huyện có nhiều chính sách giám sát bữa ăn học đường. UBND huyện Đông Hưng đã chỉ đạo các nhà trường ký hợp đồng mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng với các cơ sở cung ứng có uy tín; áp dụng nghiêm túc quy trình chế biến thức ăn theo nguyên tắc một chiều; thực hiện tốt việc vệ sinh nhà ăn, bếp ăn, đảm bảo lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định và thực hiện công khai thực đơn, thay đổi món ăn theo mùa.
Thực phẩm cho mầm non luôn được ưu tiên |
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất; bồi dưỡng trình độ, kỹ năng cho đội ngũ nhân viên cấp dưỡng và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
UBND huyện Đông Hưng cũng chỉ đạo các phòng, cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra đột xuất những bếp ăn trong trường học, kịp thời nhắc nhở và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho học sinh trong năm học 2019-2020.
Tại huyện Thái Thụy, theo Phòng giáo dục huyện, hầu hết các trường học có ăn bán trú trên địa bàn đều tận dụng những khoảng đất trống để trồng rau. Nhiều trường đủ cung cấp từ 70 - 100% rau sạch như: trường mầm non Thụy Hà, Thụy Sơn, Thụy Phúc, Thụy Liên...
Cái hay của mô hình này là ngoài cung cấp nguồn rau sạch thì các trường còn tiết kiệm được 1 khoản chi phí, từ đó có thêm kinh phí để các trường tăng cường bổ sung thực phẩm tươi sống, đảm bảo dinh dưỡng trong các bữa ăn cho trẻ, nhất là trong bối cảnh giá thịt lợn tăng cao như hiện nay.
Cùng với đảm bảo nguồn rau sạch, các trường trên địa bàn huyện Thái Thụy còn tăng cường ký hợp đồng với các cơ sở cung cấp thực phẩm tươi sống phải đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường phối hợp với phụ huynh học sinh giám sát trong quá trình cung cấp thực phẩm và nấu ăn cho trẻ. Huyện đảm bảo trẻ được cung cấp nguồn thực phẩm sạch, giúp tăng cường sức khỏe và thể chất, nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.