Tết ăn uống như thế nào để không bị đau dạ dày?
Ảnh minh hoạ. |
Nỗi lo đau dạ dày
Chị Nguyễn Thị Hoài trú tại Hà Đông, Hà Nội kể chị bị viêm dạ dày mãn tính và vào dịp Tết bệnh hay tái phát do ăn uống thất thường. Quanh năm, chị đã kiêng khem nhưng ngày Tết có cố kiêng cũng khó.
Năm ngoái, mùng 6 Tết chị đã phải vào viện để nội soi dạ dày gấp vì đau không chịu được. Bác sĩ chẩn đoán viêm loét dạ dày nặng phải sử dụng kháng viêm và giảm đau. Năm nay, chị Hoài đã có kế hoạch bảo vệ bao tử của mình nhưng trước hàng loạt những loại thực phẩm “hại” dạ dày của ngày Tết thì để đảm bảo được bệnh không tái phát rất khó.
Anh Nguyễn Văn Công – một giám đốc công ty kinh doanh hàng công nghệ tại Hà Nội chưa kịp ăn Tết đã phải nhập viện vì đau dạ dày.
Công việc kinh doanh buộc anh phải thường xuyên đi giao dịch, khó tránh khỏi việc sử dụng rượu bia. Mặc dù trước cuộc nhậu, anh đã làm bát cháo ‘đổ bê tông’ và nói lái xe mang theo viên thuốc giải rượu nhưng anh cũng không thể nào thoát khỏi cơn đau dạ dày hành hạ.
Tết năm 2017, anh vừa đi nhậu với bạn bè về đến đêm bụng đau, đi ngoài phân đen kèm theo da nhợt nhạt. Gia đình đưa anh vào bệnh viện cấp cứu bác sĩ chẩn đoán bị chảy máu dạ dày vì vết loét dạ dày không được điều trị bài bản lại gặp bia rượu, các chất kích thích suốt ngày.
Cứ đến cận Tết, anh Công lại ngao ngán sợ rượu bia nhưng không biết làm thế nào để tránh được những cuộc nhậu này vì vừa là công việc, vừa là xã giao, bạn bè, gia đình thật khó từ chối.
Ngày Tết bảo vệ bao tử thế nào?
Theo các số liệu thống kê, bệnh viêm loét dạ dày chiếm khoảng 35% các bệnh lý về đường tiêu hóa. Chứng bệnh này có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, nhưng nhiều nhất là từ 30-35 tuổi. Khi mắc bệnh, người bệnh thường có những triệu chứng như đau bụng vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, ói ra máu và đi tiêu phân đen.
Bệnh nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như xuất huyết, thủng dạ dày, viêm teo niêm mạc và ung thư dạ dày rất nguy hiểm.
Theo PGS Nguyễn Xuân Ninh – Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam chia sẻ với bệnh viêm dạ dày mạn tính, viêm đại tràng kích thích về nguyên tắc ăn uống gần giống nhau phải kiêng khem. Những thứ hạn chế phải tuân theo chế độ viêm dạ dày, kiêng chất kích thích: cay, chua, rượu, bia.... thức ăn gây co bóp nhiều, thức ăn rán, ứ đọng trong dạ dày.
Những người vị viêm đại tràng kích thích thì PGS Ninh cho biết nên kiêng thêm về gia vị gây kích thích, thức ăn sinh hơi, mỡ, rượu, bia. Bệnh nhân cần biết thức ăn nào hay bị để tránh ví dụ như sữa, hải sản... những món như rau sống là không tốt.
TS Vũ Trường Khanh – Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết đến nay bia rượu chưa được chứng minh gây loét dạ dày, nhưng nó gây tăng tiết axit, nhiều người thấy nóng vùng thượng vị, đau cồn cào hoặc ấm ách, tức bụng.
Một số người mức độ nhạy cảm thấp lại không cảm thấy gì cả. Một số người uống rượu vào mà thấy nóng thì có sự tăng tiết axit, bạn cần hạn chế, uống lượng nhỏ hoặc nồng độ thấp. Nếu uống wisky thì cần uống thêm nước để pha loãng đi.
PGS Ninh cho biết, bộ máy tiêu hóa tốt khi ăn vào thấy dễ chịu thoải mái, ba bữa chính có thể ăn thêm bữa phụ và chúng ta cố gắng như vậy. Bữa sáng ăn ngang bữa trưa và bữa tối ăn ít đi. Nếu ăn nhiều dạ dày chứa nhiều sẽ bị căng bụng thì vấn đề rối loạn tiêu hóa tăng lên.
Tết không nên ăn nhiều quá và ăn món ăn dễ tiêu, nếu món nhiều chất đạm, béo thì phải tiêu hóa lâu. Bữa ăn nhẹ nhàng ít chất béo như gạo, rau thì sẽ giúp tiêu hóa nhanh. Những món ăn đường nhiều như bánh kẹo, món lạnh để tủ lạnh cũng làm cho khó tiêu hóa. Còn về dùng thuốc thì không giúp nhiều chế độ ăn của chúng ta.