Tên lửa S-400 của Nga: Vũ khí giúp Trung Quốc quyết định thâu tóm Đài Loan?
Gần đây, quân đội Trung Quốc đã tiếp nhận các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. S-400 hiện được xem là vũ khí có thể giúp Trung Quốc thay đổi cán cân sức mạnh ở Đông Á.
Theo Diplomat, kể từ những năm đầu thập niên 90, năng lực phòng không của Trung Quốc vẫn còn bị bỏ ngỏ, nhưng từ khi Bắc Kinh chuyển sang mua các công nghệ của Nga bao gồm những biến thể của hệ thống tên lửa phòng không S-300, năng lực phòng thủ trước các đợt không kích và tấn công bằng tên lửa của Trung Quốc đã tăng đáng kể đồng thời giúp Bắc Kinh nắm ưu thế về năng lực phòng quân ở khu vực Đông Á.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. |
S-400 được cho sẽ hoạt động bên cạnh các hệ thống phòng không sẵn có của Trung Quốc là HQ-16 và HQ-17 trang bị những năng lực tối tân như công nghệ chống tên lửa đất đối không thế hệ mới và khả năng chống tàng hình. Ngay cả khi không có sự hỗ trợ từ các loại vũ khí phòng không và phòng thủ khác, một mình S-400 cũng đã trở thành mối đe dọa lớn đối với lực lượng máy bay nước ngoài xâm phạm không phận Trung Quốc và cả những máy bay hoạt động xa bờ biển Trung Quốc.
Việc Trung Quốc mua S-400 có thể xem là hành động nhằm chuẩn bị đối phó với hàng loạt cuộc xung đột tiềm tàng như cuộc chiến tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông với Nhật Bản cho tới tranh chấp biên giới với Ấn Độ.
Song theo giới chuyên gia, S-400 là vũ khí số 1 quyết định thắng thua nếu không may Trung Quốc – Đài Loan xảy ra xung đột quân sự. Cụ thể, S-400 có khả năng nhắm bắn cùng lúc 80 máy bay, tương đương với 1/3 phi đội của Đài Loan. Các tên lửa 48N6E2, 48N6DM/48N6E3 và 40N6 trang bị trên hệ thống S-400 với tầm bắn lần lượt là 200 km, 250 km và 400 km đủ sức bao phủ toàn bộ không phận Đài Loan. Do đó, S-400 sẽ cho phép Trung Quốc áp đặt một khu vực cấm bay hiệu quả trên toàn khu vực Đài Loan trong trường hợp chiến tranh giữa hai bờ eo biển xảy ra.
Điều quan trọng, năng lực chiến đấu của hệ thống phòng thủ S-400 của Nga còn bao gồm cả việc đối phó với lực lượng máy bay tàng hình tối tân nhất của Mỹ như F-22 Raptor. Do đó, các chiến đấu cơ phi tàng hình thế hệ cũ hơn như F-15 không phải là "đối thủ xứng tầm" của S-400.
Trong khi đó, Đài Loan hiện sở hữu các dòng máy bay chiến đấu có tốc độ di chuyển chậm hơn, tầm hoạt động thấp hơn cả F-15 nên khi xảy ra chiến tranh, dàn máy bay của Đài Loan khó có thể sống sót trước sự tấn công của hệ thống S-400 mà Trung Quốc mua từ Nga.
Cụ thể, phi đội chiến đấu cơ của Đài Loan gồm Mirage 2000, F-5E, F-16A và cả F-CK Ching Kuo nội địa đều không được trang bị các công nghệ tàng hình cơ bản nhất và sử dụng thiết kế từ những năm 1970. Do đó, máy bay của Đài Loan không thể trốn khỏi sự tấn công từ hệ thống tên lửa mới S-400.
Ngoài lực lượng chiến đấu cơ, ngay cả các máy bay yểm trợ như máy bay cảnh báo sớm trên không E-2 Hawkeye của Đài Loan dù phát huy hiệu quả hoạt động tốt ở khoảng cách an toàn nhưng khi rời khỏi mặt đất, máy bay này vẫn rất dễ bị tiêu diệt do khả năng cơ động kém cùng phần khung đồ sộ.
Trong khi đó, dàn tên lửa của S-400 của vận tốc di chuyển cực nhanh như 48N6E2 là Mach 8.2; 48N6E3 và 40N6 là Mach 14. Khi Trung Quốc cho phóng các tên lửa này từ sở chỉ huy trên lãnh thổ đại lục, chỉ mất vài giây, tên lửa Trung Quốc đã tiến tới và tiêu diệt được các mục tiêu ở Đài Loan.
Trong khi không quân Đài Loan phải đối mặt với thách thức lớn tới từ các tổ hợp phòng không hiện tại của Trung Quốc như HQ-9B cùng dàn chiến đấu cơ vượt trội trên không J-11B và Su-35, sự góp mặt của hệ thống tên lửa S-400 không chỉ loại bỏ khả năng phản đòn của Đài Loan mà còn dập tắt ngay cả những chiến dịch phòng thủ cơ bản nhất của Đài Loan.
Theo Diplomat, trước uy lực ngày càng hùng mạnh của không quân Trung Quốc, Đài Loan cần tập trung đầu tư lớn vào chiến lược chiến tranh điện tử cũng như mua thêm các chiến đấu cơ tàng hình nhằm tăng cơ hội sống sót trước những đợt tấn công từ S-400.
Ngoài việc cải thiện những thiếu sót của lực lượng không quân, Đài Loan cần đổ thêm tiền để hiện đại hóa các hệ thống tên lửa đất đối không đặt trên mặt đất nhằm ngăn không quân Trung Quốc tiến vào bầu trời Đài Loan trong khi các chiến đấu cơ Đài Loan vẫn chưa cất cánh lên đường chiến đấu.